Hà Nội tạm cấp ngân sách gần 128 tỉ đồng để kiểm định chung cư cũ
Thường trực HĐND TP.Hà Nội đã thống nhất tạm cấp ngân sách với số tiền gần 128 tỉ đồng để các quận, huyện kiểm định chung cư cũ trong năm nay.
Cụ thể, nguồn kinh phí trên được trích từ nguồn điều hành tập trung ngân sách thành phố năm 2022. Thường trực HĐND TP.Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo thực hiện theo quy định, chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính pháp lý của hồ sơ, tổng hợp báo cáo HĐND thành phố.
Liên quan tới việc này, UBND TP.Hà Nội cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng tham mưu, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định việc bố trí ngân sách đúng chủ trương của Thường trực HĐND TP; hướng dẫn UBND các quận, huyện sử dụng kinh phí đúng mục đích và quy định. Sở Xây dựng quản lý, theo dõi, đôn đốc việc kiểm định chung cư cũ; tổng hợp báo cáo UBND TP kết quả.
Trước đó, trên cơ sở Đề án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn TP.Hà Nội sau khi hoàn chỉnh, được phê duyệt, UBND TP, Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ sẽ tiếp tục chỉ đạo, ban hành các kế hoạch, giải pháp, nhiệm vụ, đồng bộ với Nghị định số 69 ngày 15.7.2021 của Chính phủ.
Trong đó, nguồn vốn ngân sách được bố trí dự kiến là khoảng 500 tỉ đồng trong giai đoạn 2021-2025 để thực hiện tổng kiểm tra, rà soát, kiểm định, đánh giá chất lượng toàn bộ các chung cư cũ theo các đối tượng, phân loại quy định của Nghị định số 69.
Chưa cải tạo được 1% chung cư cũ
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn hiện có 1.579 nhà chung cư, tập thể cũ. Hầu hết các chung cư cũ này được xây dựng từ giai đoạn 1960-1992, có quy mô từ 2-5 tầng, kết cấu bằng tường gạch, bê tông ghép và tập trung chủ yếu tại 4 quận nội thành.
Từ năm 2005-2014, đã hoàn thành cải tạo xây dựng lại 19 dự án và 14 dự án đang triển khai. Từ năm 2014, sau khi Luật Nhà ở 2014, Nghị định 100/2015 được ban hành và có hiệu lực thi hành đến nay không có dự án mới nào được bổ sung thêm, tiến độ thực hiện chậm, kém hiệu quả. Sau gần 20 năm, Hà Nội mới chỉ có 1% chung cư cũ được cải tạo, sửa chữa trên tổng số hơn 1.500 chung cư cũ của thành phố.
Mới đây, tại hội thảo về cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội, ông Luyện Văn Phương (Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội) cho rằng việc cải tạo, xây mới nhà chung cư cũ chủ yếu vướng mắc về trình tự thực hiện dự án; quy định 100% chủ sở hữu đồng thuận; quy định cải tạo, xây dựng phải triển khai toàn khu; quy định khống chế về các chỉ tiêu dân số, chiều cao, mật độ xây dựng…
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh (Phó Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc) cũng nói lên lý do chậm cải tạo, xây mới do những khó khăn, vướng mắc trên do quy định của Luật Nhà ở, Nghị định 101/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Một nguyên nhân khác, trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia pháp lý đất đai, xây dựng Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng Luật Nhà ở quy định chỉ đối với những chung cư bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, không còn bảo đảm an toàn cho người sử dụng (thường gọi là “chung cư cấp D”) thì chủ sở hữu mới buộc phải phá dỡ để cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư mới hoặc bàn giao cho cơ quan có thẩm quyền để phá dỡ. Các trường hợp khác không phải “chung cư cấp D” thì phải được 100% chủ sở hữu đồng ý thì mới được phá dỡ.
Theo đó, khi chung cư xuống cấp nhưng chưa đến “cấp D” mà hầu hết người dân đồng ý phá dỡ nhưng chỉ một người không đồng ý cũng không thực hiện được. “Theo tôi cần phải sửa luật để ấn định trường hợp này chỉ cần 2/3 hoặc 80% người dân đồng ý là có thể phá dỡ được”.
Ngoài ra, theo ông Đỉnh, gọi là chung cư cũ nhưng thực chất là những căn nhà tập thể cũ xây dựng thời bao cấp với chất lượng xây dựng rất kém. Tuy nhiên, dù chất lượng kém nhưng các khu tập thể cũ lại nằm ở vị trí đất vàng, đất kim cương ở khu vực nội đô. Nếu cải tạo lại chung cư, nhà đầu tư phải mở rộng diện tích hoặc chồng cao tầng lên, trong khi khu vực đó đã quá tải về hạ tầng nên Nhà nước khó có thể cấp phép.
Ngoài ra, nhiều người dân lại yêu cầu hệ số K bồi thường cao (diện tích căn hộ mới = diện tích căn hộ cũ * hệ số K). Thậm chí những hộ dân ở tầng 1 (đang kinh doanh buôn bán được) thì muốn hệ số K lên tới 2-3 lần và họ yêu cầu nếu xây nhà mới thì phải cho họ tiếp tục ở tầng 1. Những lý do này khiến việc cải tạo chung cư cũ gặp nhiều khó khăn.
Theo kế hoạch, Hà Nội sẽ hoàn thành việc tổng rà soát, khảo sát, kiểm định các nhà chung cư cũ trước quý 4/2023; phấn đấu cải tạo, xây dựng lại 2-3 khu chung cư cũ trong giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban chỉ đạo cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ cũng yêu cầu thành viên Ban chỉ đạo - Bí thư quận, huyện ủy, Chủ tịch UBND các quận, huyện nơi có nhà chung cư cũ có trách nhiệm thống nhất chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền địa phương xác định việc cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn là nhiệm vụ ưu tiên; lập danh sách và triển khai một số nhà chung cư cũ có điều kiện thuận lợi cho việc triển khai, có khả năng hoàn thành sớm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện...
Việc nghiên cứu xây dựng, ban hành quy định về cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc thẩm quyền của thành phố, trong đó có các tiêu chí để lựa chọn chủ đầu tư, hệ số bồi thường K và các cơ chế, chính sách cụ thể thuộc thẩm quyền của thành phố, dự kiến hoàn thành trong quý 3/2022.