Hà Nội tạm dừng hoạt động ba bệnh viện không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh

Ngày 22-8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội tổ chức hội nghị về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các bệnh viện trên địa bàn. Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh yêu cầu: Với các cơ sở y tế không đáp ứng được điều kiện an toàn thì phải dừng hoạt động và ít nhất trong bảy ngày phải khắc phục xong.

Ngày 22-8, Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội tổ chức hội nghị về thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong các bệnh viện trên địa bàn. Tại hội nghị, lãnh đạo thành phố nhấn mạnh yêu cầu: Với các cơ sở y tế không đáp ứng được điều kiện an toàn thì phải dừng hoạt động và ít nhất trong bảy ngày phải khắc phục xong.

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có 111 bệnh viện (BV), trong đó có 41 BV công lập của thành phố, 39 BV ngoài công lập, 32 BV trung ương, các bộ, ngành và 3.587 phòng khám tư nhân.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết, thời gian qua, thành phố đã kiểm tra 46 bệnh viện trong và ngoài công lập. Kết quả, 34 BV được đánh giá an toàn; 9 BV ở mức thấp, gồm: BV Phổi Hà Nội, BV Thận Hà Nội, BV đa khoa Thanh Trì, BV Tâm thần Hà Nội, BV Chữ thập xanh, BV Tâm thần ban ngày Mai Hương, BV Phụ sản An Thịnh, BV Mắt Nhật Bản, BV Mắt Sài Gòn - Hà Nội cơ sở I.

Đặc biệt, có ba BV không an toàn đã được Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tạm dừng hoạt động khám chữa bệnh gồm: BV Mắt Sài Gòn - Hà Nội, BV Mắt Việt Nhật, Bệnh viện Mắt Hi-Tech. Cả ba BV này đều không bảo đảm an toàn trong sàng lọc, phân luồng, cách ly.

Qua kiểm tra, Sở Y tế Hà Nội đánh giá: nhìn chung, các BV đã bám sát các nội dung chỉ đạo, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, UBND thành phố và Sở Y tế Hà Nội về thực hiện, áp dụng các biện pháp bệnh viện an toàn.

Tuy nhiên, một số đơn vị cần rút kinh nghiệm và khắc phục những hạn chế để bảo đảm công tác phòng chống dịch được tốt hơn như: cần lên kế hoạch chi tiết và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo phòng dịch một cách cụ thể; tăng cường công tác kiểm soát người ra, vào, nhắc nhở việc đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách; tổ chức phân luồng bệnh nhân ngay tại cổng…

Tại cuộc họp, đại diện các BV đã báo cáo tình hình, công tác khám chữa bệnh và phòng chống dịch Covid-19 của đơn vị. Đề nghị Bộ Y tế tiếp tục tăng cường hỗ trợ CDC Hà Nội xét nghiệm tại những cơ sở chưa đủ khả năng xét nghiệm…

Thống nhất với đề nghị của TP Hà Nội về việc nghiêm túc thực hiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh, thực hiện phân luồng trong công tác khám chữa bệnh và tránh nguy cơ lây chéo tại các cơ sở y tế, đại diện các BV cũng mong muốn chính quyền các cấp cần tăng cường kiểm soát các nguồn bệnh bên ngoài BV. Các BV của Hà Nội mong muốn có cơ chế tháo gỡ về mua sắm vật tư trang thiết bị…

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chia sẻ: BV là nơi phát hiện sớm, điều trị và giúp ngăn chặn các ca bệnh, không để lây lan. Song, đây cũng chính là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nếu dịch bệnh phát tán, thậm chí là dễ lây lan trong cộng đồng. Đáng lưu ý, trong 11 trường hợp mắc Covid-19 tại cộng đồng trên địa bàn thành phố đợt này có tám ca lây nhiễm trong BV.

Trưởng Ban chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội đề nghị, trong thời gian tới, các BV cần thực hiện nghiêm túc hơn nữa các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công điện của Ban chỉ đạo quốc gia, Công điện và hướng dẫn của Bộ Y tế, các văn bản chỉ đạo của TP Hà Nội.

Trong đó, cần chú trọng xây dựng kế hoạch, phương án cụ thể khi có tình huống dịch xảy ra; thực hiện phân luồng, có biển báo hướng dẫn, bảng tiếp nhận, phân loại, kiểm tra thân nhiệt, khám sàng lọc, cách ly ca nghi ngờ; áp dụng công nghệ thông tin trong khám bệnh, hội chẩn từ xa.

Đồng chí đề nghị, các cơ quan Trung ương kiểm tra giúp thành phố công tác an toàn tại các cơ sở y tế do Trung ương quản lý. Đối với TP Hà Nội, Sở Y tế tiếp tục tập trung kiểm tra và hoàn thành vào tuần cuối cùng của tháng 8.

Các phòng khám ngoài công lập trên địa bàn Thủ đô, trách nhiệm kiểm tra thuộc các quận, huyện, thị xã dưới sự hướng dẫn của Sở Y tế. Qua đó, có thông báo xếp loại, đánh giá tình hình các cơ sở khám, chữa bệnh. Nơi nào không đáp ứng được điều kiện an toàn thì phải dừng hoạt động và ít nhất trong bảy ngày phải khắc phục xong.

Liên quan tới kiến nghị của các BV về cơ sở dịch vụ, hàng quán khu vực chung quanh các cơ sở y tế gây mất an ninh trật tự, có nguy cơ lây lan dịch vào trong, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, thành phố sẽ chỉ đạo tất cả các quận, huyện, thị xã kiểm tra và xử lý ngay. Đồng thời đề nghị các BV phối hợp chính quyền địa phương tăng cường thực hiện nội dung này để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch ngay từ bên ngoài cho các sơ sở khám, chữa bệnh.

AN TRÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-y-te/ha-noi-tam-dung-hoat-dong-ba-benh-vien-khong-bao-dam-an-toan-phong-chong-dich-benh-613919/