Hà Nội tạm dừng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp
Sở TN-MT Hà Nội vừa ban hành văn bản về việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất, trong đó yêu cầu tạm dừng phân lô, tách thửa đối với đất nông nghiệp, trừ một số trường hợp cụ thể.
Tạm dừng phân lô, tách thửa đất nông nghiệp
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có công văn số 1685 gửi đến UBND các quận, huyện, thị xã và Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội liên quan tới việc đẩy mạnh công tác quản lý Nhà nước trong thực hiện thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian qua, việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ tầng để xây dựng hạ tầng đường giao thông, vi phạm pháp luật đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn một số quận, huyện, thị xã được phương tiện thông tin đại chúng phản ánh.
Sở Tài Nguyên và Môi trường đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, rà soát, báo cáo về việc phân lô, chia tách thửa đất, san hạ đất để xây dựng hạ tầng đường giao thông trên địa bàn trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.2017 đến 31.1.2022 đối với thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2.
UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện kiểm tra, báo cáo, khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thừa đất, đồng thời đề xuất kiến nghị về các nội dung: điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất tại đại phương; các trường hợp không được phép tách thửa; việc quản lý đối với thửa đất có dịch tích, kích thước nhỏ hơn mức tối thiểu và đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông sử dụng chung trên diện tích đất không phải là đất ở.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tạm dừng việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp, thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất, thửa đất phi nông nghiệp không phải đất ở.
Theo đó, chỉ tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất, hợp thửa đất đối với thửa đất ở đảm bảo điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất theo quy định của pháp luật hiện hành.
Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm thực hiện rà soát, báo cáo về các nội dung cụ thể: tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị đăng ký biến động đất đai trong khoảng thời gian từ 1.2017 – 1.2022 đối với thủ tục chia, tách thửa đất cho các thửa đất có diện tích lớn hơn 500m2. Đơn vị này cũng cần đề xuất, kiến nghị giải pháp xử lý đối với khó khăn, vướng mắc gặp phải.
Các trường hợp đất nông nghiệp vẫn được phân lô, tách thửa
Sở này cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã không thực hiện việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến việc chia tách thửa đất đối với thửa đất nông nghiệp; thửa đất có đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất; thửa đất phi nông nghiệp không phải là đất ở trong các trường hợp sau: Tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất Tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tự nguyện trả lại đất cho nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, nhà cho hộ nghèo, nhà cho người có công với cách mạng mà các thửa đất sau khi chia tách đảm bảo các điều kiện tương tự quy định tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 1.6.2017 của UBND TP.
Tách thửa đất để phân chia thửa đất theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai; quyết định hoặc bản án của TAND, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; xử lý nợ theo hợp đồng thế chấp, bảo lãnh;
Tách thửa đất do chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất để thực hiện dự án đầu tư được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Các thửa đất do nhà nước tách thửa để giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất theo dự án đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận đầu tư; Các trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; phân chia tài sản thừa kế, ly hôn theo quy định của pháp luật.
Hàng loạt địa phương siết phân lô bán nền
Tại nhiều địa phương, xuất hiện tình trạng các cá nhân, nhà đầu tư nhỏ lẻ tự mua gom đất vườn, đất trồng cây lâu năm rồi phân lô, bán nền gây nhiễu loạn thị trường bất động sản.
Theo Zing, ngày 22.3, UBND thành phố Đồng Xoài (Bình Phước) ban hành công văn hỏa tốc tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp và tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP đề nghị Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai thành phố tạm dừng tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn kể từ 22.3 đến khi có chỉ đạo mới.
Cụ thể, tạm dừng các thủ tục tách thửa đối với các thửa đất nông nghiệp không tiếp giáp đường giao thông. Đối với các thửa đất tiếp giáp đường giao thông, tạm dừng tách thửa đối với các thửa đất có diện tích tối thiểu dưới 2.000 m2 đối với phường và dưới 3.000 m2 đối với 2 xã Tân Thành, Tiến Hưng (bao gồm cả thửa đất tách ra và thửa đất còn lại; một thửa đất chỉ tách một lần không tách tiếp từ thửa đã tách).
Không thực hiện tách thửa (tất cả loại đất) đối với các thửa đất đã có quy hoạch chi tiết 1/500, đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, UBND tỉnh Khánh Hòa cũng ban hành văn bản bổ sung yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hồ sơ xin chuyển mục đích của hộ gia đình, cá nhân.
UBND tỉnh này yêu cầu chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với các thửa đất nằm trong khu dân cư hiện có, đáp ứng được điều kiện hạ tầng khu vực, phù hợp quy hoạch sử dụng đất... đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó là nghiêm cấm việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với các thửa đất nằm ngoài khu vực dân cư hiện có, dẫn đến hình thành các điểm dân cư mới chưa đáp ứng được điều kiện cơ sở hạ tầng khu vực, gây ra tình trạng phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn.
Tại Bắc Giang, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản giao Sở Xây dựng tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý các sàn giao dịch và các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các sàn giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh sẽ phải thực hiện báo cáo định kỳ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản qua sàn và chịu trách nhiệm về hồ sơ, thông tin cung cấp.
Đồng thời, yêu cầu Sở Xây dựng cần chấn chỉnh các chủ đầu tư tại nhiều khu dân cư, khu đô thị chưa đủ điều kiện chuyển nhượng đã bán "lúa non" dưới dạng góp vốn.
UBND tỉnh Bắc Giang giao Cục thuế tăng cường quản lý đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản của người dân, doanh nghiệp. Các chi cục thuế phối hợp UBND các huyện, thành phố trong tỉnh để quản lý nhằm chống thất thu thuế.
Thanh Thương (Zing)