Hà Nội tăng 20 bậc xếp hạng thành phố đáng sống nhất thế giới
Sau một năm, Hà Nội tăng 20 bậc, đứng vị trí 129 trong danh sách những thành phố đáng sống nhất thế giới. Đại diện tổ chức nghiên cứu cho rằng chính sách phục hồi sau đại dịch giúp một số quốc gia có thành phố thăng hạng vượt bậc, nhất là khu vực châu Á và Trung Đông.
Economist Intelligence Unit (EIU) - tổ chức nghiên cứu thuộc tạp chí The EConomist, Anh - vừa công bố danh sách thành phố đáng sống nhất thế giới năm 2023. Thủ đô Vienna, Áo giữ vững phong độ, tiếp tục được vinh danh vị trí đầu bảng.
Các nhà nghiên cứu xếp hạng thành phố đáng sống từ 173 thành phố khắp thế giới. Tiêu chí lựa chọn là chất lượng dịch vụ y tế, tỷ lệ tội phạm, chính trị, cơ sở hạ tầng và môi trường.
Theo chuyên gia, Thủ đô Vienna được bình chọn đáng sống, được nhiều người ao ước vì cơ sở hạ tầng tốt, đẹp và đáng tin cậy, văn hóa giao thoa cổ điển hiện đại, dịch vụ giáo dục và y tế đều đạt mức độ tốt.
"Vị trí đầu bảng luôn thuộc về Vienna nhiều năm qua. Thành phố chỉ mất phong độ một thời gian do dịch COVID-19", báo cáo nêu rõ.
Copenhagen, Đan Mạch đứng vị trí thứ 2. Australia có hai địa điểm lần lượt đứng thứ 3, 4 trong danh sách thành phố đáng sống nhất thế giới, gồm Sydney và Melbourne.
Canada là quốc gia duy nhất có đến 3 thành phố được bình chọn đáng sống, gồm Vancouver (đứng thứ 5), Calgary giữ vị trí thứ 7 và Toronto cán mốc vị trí thứ 9.
Địa điểm ở châu Á được gọi tên trong top 10 thành phố đáng sống nhất thế giới là Osaka, Nhật Bản. Osaka được đánh giá khá cao do có mức tăng về xếp hạng văn hóa và môi trường.
Thủ đô Hà Nội, Việt Nam bất ngờ thăng 20 bậc, xếp hạng 129 trong danh sách thành phố đáng sống nhất thế giới chỉ sau một năm. Đây là mức tăng khá nhanh so với một số thành phố lớn như Hong Kong (Trung Quốc), Jakarta (Indonesia), Kuala Lumpur (Malaysia), Stuttgart (Đức)...
Upasana Dutt - người đứng đầu bộ phận xếp hạng các thành phố đáng sống nhất tại EIU - lý giải nỗ lực phục hồi hậu COVID-19 giúp một số quốc gia có thành phố thăng hạng vượt bậc.
"Chất lượng giáo dục cải thiện khi trẻ em đi học trở lại. Hệ thống y tế giảm bớt gánh nặng. Một số quốc gia châu Á và Trung Đông có sự cải thiện rõ rệt nhất", bà Upasana Dutt nói.