Hà Nội: Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai
UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 3029/QĐ-UBND về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, UBND TP yêu cầu các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền phải xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên với phương châm phòng ngừa là chính. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ. Rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống các văn bản chỉ đạo, các cơ chế, chính sách có liên quan đế tránh sự chồng chéo, xung đột và bổ sung các quy định mới bảo đảm sự thống nhất khi triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách, huy động các nguồn lực hợp pháp, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai các cấp, ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai…
UBND TP giao Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Luật Phòng, chống thiên tai; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về Phòng, chống thiên tai, quản lý đê điều, công trình thủy lợi; rà soát và kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, khả thi trong thực hiện. Bố trí và huy động các nguồn lực để thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng khoa học, đầu tư xây dựng công trình, bảo hiểm rủi ro thiên tai, cung cấp dịch vụ dự báo, theo dõi, giám sát, đánh giá tác động rủi ro thiên tai; hoàn thiện quy chế hoạt động, quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai, hoàn thành trước ngày 15-7-2020. Ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021-2025, Phương án phòng chống thiên tai theo các cấp độ rủi ro thiên tai, trong đó phân công rõ trách nhiệm trong chỉ huy chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo và triển khai thực hiện bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, sát thực tiễn, hoàn thành trước ngày 30-12-2020.
Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện bố trí nguồn lực đầu tư phù hợp, kết hợp sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong nước và ngoài nước để thực hiện Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch, Chương trình tổng thể, dự án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; đồng thời, đa dạng hóa, linh hoạt trong việc huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư theo hướng bố trí nguồn chi ngân sách phù hợp, kết hợp xã hội hóa từ các nguồn vốn hợp pháp để chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là các loại hình thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, mưa lớn. Ưu tiên bố trí ngân sách tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án trọng điểm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai (đê, kè, cống, gia cố hồ chứa nước, xử lý sạt lở,...). Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ quan tham mưu phục vụ chỉ đạo điều hành ứng phó với thiên tai các cấp.
Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đẩy mạnh công tác quản lý Quy hoạch, Kế hoạch sử dụng đất; hạn chế việc san lấp các khu vực đầm lầy, ao, hồ để phát triển quỹ đất dân cư. Quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt là việc khai thác cát sỏi trên sông, suối; chỉ cho phép áp dụng công nghệ khai thác, chế biến khoáng sản hiện đại, tiết kiệm, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoàn nguyên môi trường sau khi kết thúc khai thác khoáng sản.