Hà Nội: Tăng cường quản lý hoạt động các trung tâm tin học, ngoại ngữ

Năm 2023, hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống trên địa bàn TP tiếp tục đi vào nền nếp, góp phần cung cấp các chương trình có chất lượng trên địa bàn TP. Tuy nhiên, công tác quản lý hoạt động của các trung tâm này sẽ tiếp tục được tăng cường, siết chặt.

Đại diện các trung tâm tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống tham dự hội nghị

Đại diện các trung tâm tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống tham dự hội nghị

Ngày 30/11, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức hội nghị công tác hoạt động các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (GDTX)năm 2023 trên địa bàn TP.

Theo báo cáo của Phòng GDTX - đại học (Sở GD&ĐT Hà Nội), tính đến tháng 11/2023, trên địa bàn TP có gần 1.000 trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX, đứng thứ 2 trong cả nước (sau TP Hồ Chí Minh), bao gồm: 802 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 111 trung tâm giáo dục/đào tạo có vốn đầu tư nước ngoài; 7 văn phòng giáo dục đại diện nước ngoài; 80 trung tâm bồi dưỡng kỹ năng.

Được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của UBND TP, lãnh đạo Sở GD&ĐT; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của Ban kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã; sự phối hợp chặt chẽ của các Sở, ngành, đơn vị có liên quan, hoạt động của các trung tâm tiếp tục đi vào nền nếp. 100% thủ tục hành chính về việc đăng ký và cấp phép hoạt động cho các trung tâm được thực hiện trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Các trung tâm đã có ý thức quan tâm tăng cường đầu tư về cơ sở vật chất, đội ngũ, chương trình đào tạo, công tác quản lý, vận hành; cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học ở các nước tiên tiến trên thế giới để thu hút học sinh và đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi đối tượng người học. Cùng với đó, phụ huynh học sinh ngày càng quan tâm, đầu tư đến việc học tập của con em, nhất là việc học ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kỹ năng, đặc biệt là ở khu vực nội thành.

Tuy nhiên, các trung tâm vẫn gặp nhiều khó khăn như đội ngũ cán bộ quản lý của trung tâm hầu hết chưa qua đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý giáo dục; địa điểm đào tạo, bồi dưỡng đa phần là có hợp đồng thuê ngắn hạn nên có những hạn chế nhất định trong việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học…

Tại hội nghị, đại diện Phòng GD&ĐT quận Bắc Từ Liêm nêu một số giải pháp trong công tác quản lý các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX, trong đó có việc tăng cương tuyên truyền để các trung tâm thực hiện nghiêm quy định pháp luật, hướng dẫn trung tâm tuân thủ đúng các trình tự thủ tục xin giấy phép; tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện các đơn vị hoạt động chưa đủ điều kiện cấp phép và công khai danh sách này trên các kênh thông tin để Nhân dân nắm được…

Trong phần đối thoại, bên cạnh một số thuận lợi, các trung tâm tập trung nêu những kiến nghị, đề xuất trong hoạt động của trung tâm, trong đó có việc đề xuất việc nới rộng thời gian cấp phép. Cụ thể, đối với các trung tâm hoạt động ổn định, bền vững thì thay vì cấp phép 2 năm như hiện tại có thể kéo dài thời hạn lên 3-5 năm.

Kết luận tại hội nghị, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Thế Cương đánh giá cao vai trò của các trung tâm và khẳng định, các trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ GDTX là cánh tay nối dài của Sở, có vai trò trợ giúp để nâng cao trình độ đào tạo tin học, ngoại ngữ, kỹ năng sống của các nhà trường.

Thời gian tới, Sở GD&ĐT sẽ tích cực rà soát, đơn giản hóa các nội dung, quy trình, quy chế giải quyết công việc cũng như phối hợp với Ban kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh, kiểm tra để đảm bảo các trung tâm hoạt động lành mạnh, đúng quy định.

Nam Du

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tang-cuong-quan-ly-hoat-dong-cac-trung-tam-tin-hoc-ngoai-ngu.html