Hà Nội: Tăng giá nước sạch không tác động nhiều đến thu nhập người dân
Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, phương án điều chỉnh giá nước từ ngày 1/7 và tăng tiếp vào đầu năm 2024 cơ bản không tác động nhiều đến đời sống, thu nhập của người dân.
Sở Tài chính Hà Nội vừa thông tin phương án dự kiến tăng giá nước sinh hoạt theo 2 đợt. Theo đó, đợt tăng giá nước đầu tiên áp dụng từ 1/7/2023; đợt tăng tiếp từ 1/1/2024.
Cụ thể, từ đầu tháng 7, giá nước sinh hoạt 10m3 đầu tiên là 7.500 đồng/m3 (hiện nay là 5.973 đồng/m3); từ 10-20m3 được tính giá 8.800 đồng/m3; từ 20-30m3 là 12.000 đồng/m3; trên 30m3 là 24.000 đồng/m3.
Từ 1/1/2024, giá nước sinh hoạt các mức như trên lần lượt là: 8.500 đồng - 9.900 đồng - 16.000 đồng và 27.000 đồng/m3.
Theo Sở Tài chính Hà Nội, với mức tăng trên, quy chiếu nhu cầu tiêu dùng nước sạch thực tế tại các hộ dân ở nội thành Hà Nội (khoảng 10-16m3/hộ/tháng), số tiền người dân sẽ phải trả thêm tăng từ 15.000 - 26.000 đồng/tháng. Ở khu vực nông thôn (6-8m3/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng/hộ.
Sở Tài chính Hà Nội cho biết, giá nước sạch trên địa bàn trong 10 năm qua không tăng, trong khi chi phí sản xuất đều tăng. Cụ thể như mức lương cơ sở tăng, chi phí điện tăng, các loại thuế và phí tăng…
"Giá nước không tăng từ năm 2013 đến nay đã ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư các nhà máy nước mới; các dự án cải tạo, nâng công suất các nhà máy nước đang vận hành theo quy hoạch cấp nước", Sở Tài chính Hà Nội cho hay.
Theo lý giải của Sở Tài chính, việc điều chỉnh giá tiêu thụ nước sạch xuất phát từ những nhu cầu cấp thiết thực tế, phù hợp với chủ trương của nhà nước về đẩy mạnh công tác quản lý cấp nước, tiêu thụ nước sạch và chủ trương xã hội hóa công tác sản xuất kinh doanh nước sạch.
Ngoài ra, việc điều chỉnh giá nước còn có tác dụng khuyến khích ý thức sử dụng nước tiết kiệm trong các tổ chức, cá nhân đang sử dụng nước sạch, đảm bảo an sinh xã hội và tạo sự tự chủ về tài chính cho các doanh nghiệp cấp nước để hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân Thủ đô.
Khi điều chỉnh giá nước sinh hoạt, chất lượng nguồn nước sạch sinh hoạt được nâng cao, sức khỏe người dân ở các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được cải thiện.
"Nếu tính tiền nước trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong một tháng chiếm 0,72%. Do vậy, với phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân", Sở Tài chính Hà Nội cho hay.
Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết, đối với người dân tại khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, khu vực bị ảnh hưởng môi trường khó tiếp cận nước sạch như Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn và người dân khu vực bị ảnh hưởng bãi rác Xuân Sơn thì sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo sức khỏe và sinh hoạt.