Hà Nội tặng những món quà 'đặc biệt' cho các địa phương khó khăn của Quảng Bình, Quảng Trị

Khó có thể nói hết sự xúc động của các giáo viên, học sinh, người dân vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị khi đón nhận những món quà hỗ trợ, đặc biệt là những bộ bàn ghế mới do đoàn công tác thành phố Hà Nội trao tặng.

Và ý nghĩa hơn, đây chính là những sản phẩm do các học viên của các cơ sở cai nghiện ma túy làm nên trong quá trình học nghề, lao động trị liệu.

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thăm hỏi, chia sẻ niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Hạ Trạch (tỉnh Quảng Bình) khi được ngồi học với các bộ bàn ghế mới. Ảnh: Thu Minh

Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội thăm hỏi, chia sẻ niềm vui của học sinh Trường Tiểu học Hạ Trạch (tỉnh Quảng Bình) khi được ngồi học với các bộ bàn ghế mới. Ảnh: Thu Minh

Sản phẩm của các học viên cai nghiện ma túy

Đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội vừa khép lại hành trình tri ân đầy ý nghĩa từ ngày 20 đến 23-11-2024, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà tổng trị giá 620 triệu đồng tại nhiều trường học và địa phương khó khăn ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Đáng chú ý, trong đợt công tác này, có 200 bộ bàn ghế đã được chở từ xưởng sản xuất của Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội (huyện Ba Vì) và Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội (thị xã Sơn Tây), trải qua hành trình hơn 600km và được bàn giao trực tiếp tại các trường học trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị. Trưởng phòng Hành chính nhân sự Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội Nguyễn Đức Quang chia sẻ: “Hành trình đem những bộ bàn ghế tặng các trường học không hề đơn giản, bởi nhiều điểm trường cách rất xa trung tâm, đi cả ngày đường. Trong đó, tại điểm Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ngư Hóa (xã Ngư Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình), đường đi hẹp phải chuyển hàng từ xe lớn sang xe tải nhỏ để đến điểm bàn giao, lắp đặt”.

Tại Trường Tiểu học Hạ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), đón nhận 40 bộ bàn ghế do đoàn công tác của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội trao tặng, cô giáo Nguyễn Thị Thảo, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Khó có thể kể hết niềm vui của các em nhỏ khi được ngồi học với bộ bàn ghế mới sáng bóng; chưa kể, những em hoàn cảnh khó khăn còn được đoàn công tác hỗ trợ 1 triệu đồng/em và tặng quà”.

Bày tỏ sự bất ngờ khi biết những bộ bàn ghế rất đẹp này được làm ra bởi chính các học viên của các cơ sở cai nghiện ma túy trong quá trình lao động trị liệu, cô giáo Nguyễn Thị Thảo bày tỏ: “Việc dùng các sản phẩm của những người từng nghiện ma túy làm ra trong hành trình cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng để thực hiện an sinh xã hội thực sự mang nhiều ý nghĩa. Tôi tin những người làm nên các sản phẩm này sẽ hạnh phúc hơn khi thấy giá trị thiết thực của việc mình làm, giúp các em học sinh được học tập tốt hơn”.

Nhận thức được giá trị của lao động

200 bộ bàn ghế được bàn giao tại các điểm trường ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị không phải là những sản phẩm đầu tiên do học viên các cơ sở cai nghiện ma túy của Hà Nội làm ra được sử dụng vào quá trình thực hiện an sinh xã hội. Chỉ cách đây chừng 1 tháng, 100 bộ bàn ghế cũng được trao tặng tại một số điểm trường xa xôi ở tỉnh Hà Giang. Việc thực hiện nhiệm vụ an sinh xã hội của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn có sự đồng hành, vào cuộc của khối các cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc. Nhờ vào việc không ngừng đổi mới công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho học viên cơ sở cai nghiện ma túy, các sản phẩm do họ làm ra ngày càng đạt chất lượng cao.

Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 Hà Nội Nguyễn Văn Hải chia sẻ: “Chúng tôi luôn có sự phối hợp chặt chẽ với các trường dạy nghề, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội trong công tác dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp, giúp học viên cai nghiện rèn luyện kỹ năng tay nghề, trị liệu. Những sản phẩm hữu ích của học viên thông qua lao động trị liệu được đưa vào thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ đồng bào, trẻ em vùng gặp nhiều khó khăn mang ý nghĩa nhân văn rất lớn, được coi là một giải pháp hữu hiệu góp phần giáo dục, rèn luyện học viên tu dưỡng, khích lệ họ tạo ra sản phẩm hữu ích cho xã hội”.

Còn Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 1 Hà Nội Nguyễn Văn Học cho biết: “Năm 2024, cơ sở chúng tôi được giao 130 chỉ tiêu dạy nghề. Cơ sở đã mở 2 lớp dạy may, đồng thời liên kết doanh nghiệp mở thêm các khóa lao động sản xuất trị liệu đối với các nghề cơ khí, may, làm mộc, làm túi, làm gốm... Việc sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường mang ý nghĩa thiết thực trong việc tạo việc làm, giúp học viên có thu nhập và đóng góp vào công tác an sinh, thấy được chân giá trị từ lao động”.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, thời gian qua, công tác tổ chức các hoạt động lao động trị liệu được 7 cơ sở cai nghiện ma túy trực thuộc sở đặc biệt chú trọng, giúp người cai nghiện cải thiện về sức khỏe thể chất, tâm trí, tăng cường ý thức tổ chức, kỷ luật trong lao động, nâng cao tinh thần tự lập, có kỹ năng nghề, qua đó giúp họ nhận thức được giá trị của lao động và tái hòa nhập cộng đồng. Căn cứ vào số lượng học viên, sức khỏe, độ tuổi, giới tính, trình độ, thời gian, nguyện vọng của người cai nghiện, các cơ sở tổ chức hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế.

Mai Hoa

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-tang-nhung-mon-qua-dac-biet-cho-cac-dia-phuong-kho-khan-cua-quang-binh-quang-tri-685470.html