Hà Nội tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn vay
Sáng nay, 28/8, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định đối tượng cho vay đặc thù từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
Dự thảo Nghị quyết đề cập tới đối tượng áp dụng là cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan việc quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, ngân sách cấp huyện ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thành phố và Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, Nghị quyết quy định bổ sung ba đối tượng vay vốn đặc thù, bao gồm: hộ gia đình có từ hai con trở lên đang học tại các trường đại học (hoặc tương đương); hộ gia đình chưa có công trình cấp nước, cần xây dựng mới; người lao động có việc làm đang đóng BHXH bắt buộc có thu nhập thấp hơn mức thu nhập bình quân của người lao động đang làm việc trên địa bàn thành phố được Cục thống kê thành phố công bố từng năm.
Nguồn vốn cho vay từ ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH, gồm nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng CSXH thành phố và nguồn vốn ngân sách cấp huyện ủy thác qua Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Nguyễn Lan Hương khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết của HĐND bởi tính ưu việt và phù hợp điều kiện tài chính hiện nay của thành phố. Việc triển khai Nghị quyết sẽ góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng trong Chương trình số 08 của Thành ủy Hà Nội. Từ đó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận nguồn vốn lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm chênh lệch giàu - nghèo.
Toàn bộ ý kiến góp ý sẽ được MTTQ Hà Nội tiếp thu, tổng hợp, báo cáo cơ quan chuyên môn. Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Lan Hương, để tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết, thành phố và các cơ quan liên quan cần có kế hoạch chặt chẽ, kiểm tra, giám sát, tạo điều kiện để người dân tiếp cận chính sách dễ dàng, tránh phát sinh tiêu cực; đồng thời có đánh giá tác động tới các giới, đối tượng thụ hưởng.