Hà Nội tập huấn các quy định về tổ chức mô hình chính quyền đô thị

Sáng 2-7, Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tập huấn Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Về dự Hội nghị có: Đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban Tuyên giao Thành ủy Hà Nội, đồng chí Đàm Văn Huân – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, đồng chí Nguyễn Phúc Hải – Phó Trưởng Ban Dân tộc TP, đồng chí Trần Anh Tuấn – Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, đồng chí Lê Ngọc Thắng – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP, đồng chí Lê Đức Bính – Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.

Ngoài ra còn có các đại biểu là thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL TP, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể TP, báo cáo viên pháp luật TP, quận, huyện, thị xã, đại diện lãnh đạo Hội đồng Phối hợp PBGDPL, phòng Tư pháp, phòng Nội vụ các quận, huyện, thị xã.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Tống Thị Thanh Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay Hội nghị tập huấn Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được tổ chức muộn hơn.

Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Khánh Huy

Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp PBGDPL TP Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Tống Thị Thanh Nam phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Khánh Huy

Hội nghị được tổ chức nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP đến đội ngũ báo cáo viên pháp luật TP, quận, huyện, thị xã, cán bộ, công chức. Trên cơ sở được các nội dung được báo cáo viên trao đổi tại hội nghị, các đại biểu sẽ vận dụng vào thực tiễn công tác, tiếp tục thực hiện tuyên truyền sâu rộng Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội trong cơ quan, tổ chức, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn mình bằng nhiều hình thức phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Sau phần khai mạc, Hội nghị đã dành thời gian để nghe báo cáo viên là Ths Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ thông tin về những nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Nhấn mạnh sự cần thiết ban hành nghị quyết về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Phan Trung Tuấn cho biết, trước tiên phát từ đặc điểm riêng có của các đô thị.

Thủ đô Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, kinh tế, khóa học công nghệ, văn hóa- xã hội của cả nước, có quy mô dân số đứng thứ hai cả nước. Trong khi đó mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp hiện nay của TP Hà Nội chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thiếu linh hoạt, khả năng tự quyết định, tự chịu trách nhiệm để giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra đối với đô thị còn bất cập.

Do đặc điểm, tính chất tập trung, thống nhất cao của đô thị, các vấn đề quy hoạch phát triển, kết cấu hạ tầng và kinh tế - xã hội cần phải được quyết định ở cấp thành phố và cấp quận, thị xã. Chính quyền phường chỉ thừa hành thực hiện, do đó việc tiếp tục duy trì HĐND phường đã không còn phù hợp với Thủ đô Hà Nội. Ở phường chỉ nên tổ chức cơ quan hành chính để thực hiện một số công việc cụ thể của quản lý hành chính nhà nước và cung ứng một số dịch vụ công theo phân cấp, ủy quyền của chính quyền cấp trên.

Việc thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường tại TP Hà Nội theo đó nhằm từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực quản lý, điều hành của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong giai đoạn tới, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân Thủ đô.

Ths Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ thông tin về những nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Ths Phan Trung Tuấn – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Nội vụ thông tin về những nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy

Cũng theo báo cáo viên, khi thực hiện thí điểm thì mô hình chính quyền địa phương các cấp của TP Hà Nội đã có sự phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Trong đó, đối với chính quyền đô thị (khu vực nội thành, nội thị), thực hiện thí điểm chính quyền đô thị hai cấp. Đó là cấp chính quyền TP Hà Nội và cấp chính quyền quận, thị xã (đều có HĐND và UBND). Ở các phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương, chỉ tổ chức chính quyền địa phương ở phường là UBND phường (không tổ chức HĐND phường).

Đối với chính quyền nông thôn (huyện, xã), giữ nguyên mô hình chính quyền nông thôn 3 cấp. Đó là cấp chính quyền TP Hà Nội và cấp chính quyền huyện, thị xã và cấp chính quyền xã (đều có HĐND và UBND). Mô hình tổ chức cấp chính quyền của TP Hà Nội và huyện, thị xã, xã, thị trấn cơ bản như hiện nay nhưng có rà soát để thực hiện các giải pháp nhằm củng cố cấp chính quyền tại các xã, thị trấn thuộc các huyện và các xã thuộc thị xã Sơn Tây theo quy định của pháp luật.

Quy định việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội được thực hiện từ ngày 1-7-2020 cho đến khi Quốc hội quyết định chấm dứt việc thực hiện thí điểm.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tap-huan-cac-quy-dinh-ve-to-chuc-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-199870.html