Hà Nội tập trung cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh có dịch Covid-19

Chiều 26-2, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị về thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP (cùng ban hành ngày 1-1-2020) của Chính phủ; tập trung cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh có dịch Covid-19. Cùng dự có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà; các Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Doãn Toản.

Dịch bệnh tác động đến nhiều lĩnh vực kinh tế Thủ đô

Mở đầu hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, hội nghị nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1-1-2020 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020; Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020; Chương trình hành động số 07/CTr-UBND ngày 9-1-2020 của UBND thành phố về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020... trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, để từ đó đưa ra các giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển đã đề ra.

Tiếp đó, báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường đang ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội của thành phố. Hiện, hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh nằm trong chuỗi giá trị với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đã bị ảnh hưởng, điển hình là du lịch, xuất nhập khẩu, lao động cũng như các ngành sản xuất có nguyên liệu đầu vào từ các quốc gia này.

Ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành Du lịch khi khách Trung Quốc giảm 60%; Malaysia giảm 34,9%; Singapore giảm 19,6%; Thái Lan giảm 13,4%... Khách du lịch nội địa giảm 21,2%. Dịch vụ nghệ thuật, vui chơi giải trí giảm 0,5%; dịch vụ giáo dục và đào tạo giảm 3%,...

Đối với sản xuất công nghiệp, dự báo sản xuất công nghiệp quý I-2020 vẫn tăng, nhưng thấp hơn mức tăng các năm trước. Ngoài chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 5,75% thì trong tháng 2, có 6/11 nhóm hàng có chỉ số giảm. Theo đó, nhóm giao thông giảm 2,24%; văn hóa giải trí và du lịch giảm 1,58%; nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 0,24%; may mặc, mũ nón, giầy dép giảm 0,19%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,11%; bưu chính viễn thông giảm 0,13%...

Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết thêm, ngành Dệt may bị ảnh hưởng rõ rệt nhất, với 50% nguồn nguyên, phụ liệu phụ thuộc vào Trung Quốc và 10,2% từ Hàn Quốc. Ngành Da giày cũng có tới 27% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc và 1,4% từ Hàn Quốc. Các nhóm ngành tiếp theo gồm sản xuất máy móc thiết bị, điện tử, điện thoại và phương tiện vận tải... Các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ thuộc loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ gia đình với năng lực tài chính yếu, tổ chức sản xuất còn nhiều hạn chế là đối tượng chịu tác động nhiều. Dự báo, tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chỉ còn từ 10-40% so với cùng kỳ năm 2019.

"Việc tìm nguồn nguyên liệu thay thế không thể thực hiện được trong một sớm một chiều. Kể cả trong trường hợp tìm được nguồn cung mới thì giá thành có thể cao hơn so với nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, làm mất sức cạnh tranh của doanh nghiệp", Giám đốc Sở Công Thương xác nhận.

Ba kịch bản tăng trưởng và các giải pháp ứng phó

Sở Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng năm 2020 trong bối cảnh có dịch Covid-19. Cụ thể, kịch bản 1 là dịch sẽ kết thúc trong quý 1, quý 2 lấy lại đà tăng trưởng và sẽ tăng 7,53% - tức đạt kế hoạch đề ra. Kịch bản 2 là kiểm soát được dịch trong quý 1 nhưng vẫn bị ảnh hưởng sang các quý sau, GDP sẽ tăng 7,06%. Kịch bản 3 là dịch kéo dài đến quý 2 nhưng ảnh hưởng tới các quý sau khiến GDP chỉ tăng 6,57%.

Đại diện các sở, ngành, địa phương cũng đã đưa ra một số ý kiến, giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, hạn chế tác động của dịch Covid-19 tại địa phương, lĩnh vực mình phụ trách. Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho rằng, cần đẩy mạnh đầu tư hạ tầng và lấp đầy các khu, cụm công nghiệp; thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực, tiểu thủ công nghiệp - làng nghề; thu hút đầu tư phát triển hạ tầng thương mại... Đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế thành phố là rất lớn, Sở Công thương đề xuất được xây dựng riêng chương trình hành động của Sở, để tạo ra giải pháp mạnh mẽ; nếu chỉ ban hành các văn bản “chạy theo” các đơn vị khác thì sẽ không có giải pháp đủ mạnh để đối phó với tình hình hiện nay.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Chí Lực cho biết, thời gian tới sẽ tập trung tuyên truyền các hộ kinh doanh để yên tâm sản xuất, hỗ trợ các hộ về thủ tục hành chính. Đồng thời, đề xuất với thành phố cho phép Hoàn Kiếm triển khai một số mô hình để tăng cường thu hút du lịch, ví dụ như mở rộng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, mục tiêu số một thời điểm hiện nay vẫn là phòng, chống dịch Covid-19. Vì vậy cần tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không để lây chéo và tạo sự ổn định, bảo vệ sức khỏe người dân. Tiếp theo, tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp; thúc đẩy hoạt động đầu tư, chuẩn bị cho sự bứt phá ngay khi hết dịch.

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, thực hiện tốt việc khoanh vùng, cách ly những người nghi nhiễm, cần kịp thời thông tin, tuyên truyền và tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý mọi hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung đơn giản hóa, cắt giảm các thủ tục nhằm giảm thời gian, chi phí, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tỷ lệ giải ngân cho vay qua Quỹ Đầu tư phát triển Hà Nội, Ngân hàng Chính sách xã hội…; thành lập các tổ công tác - đầu mối để liên hệ với các doanh nghiệp (phân theo nhóm ngành, lĩnh vực) để nắm bắt vướng mắc và phối hợp giải quyết...

Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, huy động vốn dân doanh cho sản xuất - kinh doanh cũng như kêu gọi đầu tư nước ngoài. Một số công trình cần sớm triển khai như: Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2; Đường nối cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3; Xây dựng hầm chui Lê Văn Lương - Vành đai 3; Xây dựng hầm chui tại nút giao giữa đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng… Đồng thời, nghiên cứu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn/giảm lãi vay theo hợp đồng tín dụng đã ký kết và xem xét cho vay mới để khôi phục, duy trì sản xuất, kinh doanh... Thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi (thuế, tín dụng, đất đai, nhân lực…) để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản...

Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố cũng gợi ý về việc dịch có thể ảnh hưởng đến một số ngành nhưng có thể là cơ hội để phát sinh những ngành mới. Phải kết hợp giữa mục tiêu chống dịch, ngắn hạn với các mục tiêu dài hạn, vì sự phát triển bền vững. Ngay từ bây giờ cần có bước chuẩn bị đúng hướng, đủ mức để đón bắt cơ hội, tăng tốc trong thời gian tới. Các ngành: Du lịch, Công Thương, Nông nghiệp... cần nhân dịp này thực hiện tái cơ cấu sản phẩm, thị trường, chủ động tiếp thu và ứng dụng công nghệ hiện đại.

Hồng Sơn-Ảnh: Quang Thái

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/959504/ha-noi-tap-trung-cho-tang-truong-kinh-te-trong-boi-canh-co-dich-covid-19