Hà Nội: Tập trung đầu tư nhiều phương pháp và công nghệ để xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa

Trong cuộc họp giao ban báo chí của Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 5-11-2019, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã báo cáo về thực trạng và các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội.

Bà Lưu Thị Thanh Chi, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội đã thông tin về hiện trạng rác thải nhựa của cả nước nói chung và Tp Hà Nội nói riêng. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2018, Việt Nam xếp thứ 17/109 quốc gia có mức độ ô nhiễm do rác thải nhựa trên thế giới, 80% lượng rác thải ra biển của Việt Nam xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. Hà Nội thải 4000-5000 tấn rác hàng ngày trong đó có khoảng 80 tấn chất thải nhựa.

UBND TP Hà Nội đã ban hành các quy định về việc giảm thiểu chất thải nhựa, cụ thể:

Ban hành kế hoạch số 206/KH-UBND ngày 31/10/2018 về việc hành động chương trình và sản xuất tiêu dùng bền vững TP Hà Nội giai đoạn đến năm 2020, trong đó yêu cầu các ngành dịch vụ, sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại thực hiện các mô hình giảm thiểu chất thải và tái chế trong các hoạt động của đơn vị.

Văn bản số 3549/UBND-ĐT ngày 19-8-2019 về việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội của và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP. Theo đó, TP yêu cầu các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp thuộc TP thực hiện một số nội dung sau: Từ 01-09-2019, các cơ quan hành chính nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc TP thực hiện kế hoạch cắt giảm, sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo và các hoạt động khác của cơ quan, đơn vị.

Ban hành kế hoạch số 232/KH-UBND ngày 25-10-2019 về phòng chống, rác thải nhựa và túi ni lông đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 trên địa bàn TP Hà Nội với các mục tiêu sau: 100% các đơn vị, cơ quan tổ chức, đoàn thể trực thuộc UBND TP không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế 80% các sản phẩm nhựa khó phân hủy từ tháng 11-2019; Giảm dần việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy sử dụng một lần; giảm thiểu sự phát thải chất thải nhựa; tăng cường thu gom, tái chế chất thải nhựa; đến 31-12-2020 hạn chế tối đa các cơ sở sản xuất bao bì dùng bằng nhựa.

Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã báo cáo về thực trạng và các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội (Ảnh : T.F)

Đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội đã báo cáo về thực trạng và các giải pháp nhằm giảm thiểu rác thải nhựa tại Hà Nội (Ảnh : T.F)

Sở Tài nguyên môi trường và Sở GD&ĐT đã ký kết kế hoạch phối hợp số 7255/KH-STNMT- SGDĐT về việc thực hiện chương trình thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa tại một số trường học trên địa bàn TP năm học 2019-2020 với chủ đề: “Một giây hành động – Bảo vệ môi trường” trong đó phối hợp với công ty cổ phần Tetra Park Việt Nam, Cty TNHH Lagom Việt Nam, Doanh nghiệp xã hội NHC tiến hành thu gom, phân loại và tái chế vỏ hộp sữa, và ống hút nhựa tại 800 trường mầm non và tiểu học đang triển khai chương trình sữa học đường thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Hiện nay, chương trình đã trển khai tại 637 trường tại 16 quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP như: Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sơn Tây, Hoàng Mai, Gia Lâm, Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn, Nam Từ Liêm.

Tổ chức các buổi hội nghị, hội thảo tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của việc giảm thiểu chất thải nhựa; đồng thời tìm kiếm và huy động các sáng kiến cho TP. Phối hợp với các cơ quan báo chí và truyền hình đưa tin về tác hại của chất thải nhựa để nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội cũng cho biết: Rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng là vấn đề cả nước quan tâm, những năm qua, TP đã đầu tư nhiều về các phương pháp và công nghệ để giải quyết vấn đề này. Các công việc tiếp theo của TP về việc phòng, chống hạn chế rác thải sẽ bao gồm:

Tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về phòng, chống chất thải nhựa. Xây dựng, ban hành chính sách, cơ chế cụ thể để khuyến khích và các văn bản pháo luật về phòng chống chất thải nhựa.

Từ nay đến 2020, tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả chương trình kiểm soát và hạn chế chất thải nhựa/túi ni lông theo các kế hoạch do TP ban hành.

Tiếp tục phối hợp với Ban tuyên giáo Trung ương định hướng và chỉ đạo các cấp tuyên truyền hiệu quả về bảo vệ môi trường nói chung và giảm thiểu chất thải nhựa nói riêng.

Hợp tác với các cơ quan báo chí tuyên truyền rộng rãi các giải pháp chống rác thải nhựa, nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm cho các tầng lớp nhân dân Thủ đô xây dựng Thủ đô xanh, sạch đẹp và đáng sống.

Huy động các nguồn lực (tài chính, kỹ thuật) của các tổ chức, doanh nghiệp trong việc thu gom và tái chế chất thải nhựa, thiết lập mạng lưới các doanh nghiệp thu, gom, tái chế: Chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa các thành phố trong khu vực và toàn cầu.

Tại cuộc họp, ông Trần Xuân Hà, Phó trưởng ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cũng cho rằng: Truyền thông về thực trạng rác thải nhựa, tác hại của rác thải đối với cuộc sống và giống nòi của con người là rất quan trọng, trong đó, vai trò của các cơ quan thông tấn báo chí là hết sức cần thiết. Vừa qua, Thành ủy chỉ đạo sát sao về phòng, chống rác thải nhựa, UBND TP cũng có những kế hoạch cụ thể về vấn đề này. Thời gian tới, các cơ quan đơn vị, nhà nước trên địa bàn TP phải thực hiện ngay các kế hoạch bằng việc thay thế sản phẩm dùng 1 lần bằng các vật liệu thân thiện với môi trường. Cán bộ, trước hết gương mẫu. Còn mỗi người dân cần được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi thói quen, hạn chế sử dụng đồ nhựa.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tap-trung-dau-tu-nhieu-phuong-phap-va-cong-nghe-de-xu-ly-rac-thai-dac-biet-la-rac-thai-nhua-168778.html