Hà Nội tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ về bảo đảm an toàn thực phẩm

Chiều 22-10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu đã chủ trì hội nghị tổng kết phong trào thi đua 'An toàn thực phẩm' giai đoạn 2016-2020, đánh giá 1 năm triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn.

Hai tập thể được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

5 năm xử phạt hơn 31.000 cơ sở vi phạm

Báo cáo công tác 5 năm thực hiện phong trào thi đua "An toàn thực phẩm" giai đoạn 2016-2020, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ năm 2016 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được 520.506 lượt cơ sở, xử phạt 31.065 cơ sở vi phạm với tổng số tiền hơn 134,8 tỷ đồng, trong đó khởi tố 12 vụ và 14 bị can có hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng...

Hằng năm, thành phố tổ chức đánh giá và chấm điểm công tác an toàn thực phẩm của các quận, huyện, thị xã và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Qua đánh giá cho thấy, số quận, huyện, thị xã đạt xuất sắc trong công tác an toàn thực phẩm hằng năm đều tăng. Cụ thể, nếu như năm 2017 mới có 6 đơn vị, thì đến năm 2019 đã tăng lên 11 đơn vị...

Cũng theo ông Trần Văn Chung, trong 5 năm triển khai phong trào thi đua "An toàn thực phẩm", thành phố đã triển khai có hiệu quả việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm. Cụ thể, từ năm 2016, Hà Nội triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 xã, phường.

Với những kết quả tích cực sau thí điểm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 10-7-2019, Hà Nội mở rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

Đến nay, sau 1 năm triển khai, từ ngày 10-7-2019 đến 10-7-2020, các đoàn thanh tra chuyên ngành của thành phố đã thanh tra được 8.119 cơ sở, qua đó phát hiện và xử lý 2.050 cơ sở vi phạm (chiếm 25,2%) với tổng số tiền phạt hơn 3,7 tỷ đồng.

So với kết quả kiểm tra cùng kỳ trước khi tiến hành thí điểm thanh tra chuyên ngành, tỷ lệ số cơ sở vi phạm bị xử phạt vi phạm hành chính tăng từ 3,3% lên 8,3%, đặc biệt với tuyến xã, phường. Riêng với các cơ sở đã thanh tra, nếu có vi phạm đều bị xử phạt hành chính.

"Kết quả này cho thấy, việc xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm cao hơn, mạnh hơn so với kiểm tra an toàn thực phẩm. Nhờ đó, thể hiện tính răn đe, sự nghiêm khắc trong quá trình thanh tra và xử lý vi phạm, góp phần tăng hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn", ông Trần Văn Chung nói.

Đại diện các tập thể được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc

Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý an toàn thực phẩm, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội cho rằng, phải có sự hợp lực, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thành phố sẽ tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, hậu kiểm và xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.

Đặc biệt, cơ quan chức năng sẽ chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp thực phẩm cho nhiều người, cơ sở dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ...

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu biểu dương sự vào cuộc của các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh, với một địa bàn đông dân cư, do đó, nguy cơ mất an toàn thực phẩm luôn hiện hữu hằng ngày, hằng giờ.

Trước thực tế đó, trong giai đoạn 2016-2020, thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các nội dung hoạt động về an toàn thực phẩm và hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, được trung ương đánh giá cao.

Riêng ngành Y tế Thủ đô đã xây dựng nhiều mô hình hay, sáng tạo trong công tác quản lý an toàn thực phẩm thời gian qua như: Mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát; mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm bữa cỗ tập trung đông người, chấm điểm công tác an toàn thực phẩm...

"Đặc biệt, thời gian qua, thành phố đã triển khai có hiệu quả việc thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn với nhiều sáng tạo, tổ chức được nhiều cuộc thanh tra đột xuất. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để công tác quản lý an toàn thực phẩm ngày một tốt hơn. Ngay trong thời gian diễn ra dịch Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn nhưng công tác an toàn thực phẩm vẫn tiếp tục được triển khai quyết liệt và hiệu quả", đồng chí Nguyễn Văn Sửu khẳng định.

Với những kết quả đã đạt được, đồng chí Nguyễn Văn Sửu chỉ đạo, phong trào thi đua "An toàn thực phẩm" trong 5 năm tới (giai đoạn 2021-2025) sẽ tiếp tục tập trung vào 7 nhiệm vụ chính. Cụ thể, thi đua thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước của các ngành, các cấp thuộc thành phố; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; tăng cường công tác truyền thông về an toàn thực phẩm; phát triển các vùng sản xuất, kết nối tiêu thụ các thực phẩm an toàn; kiểm soát thực phẩm đầu vào; nghiên cứu, thực hiện thí điểm một số quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về thực phẩm tiêu dùng cũng như thực phẩm xuất khẩu; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm an toàn.

Ngoài ra, 8 tập thể và 7 cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội trong triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm.

Xuân Lộc

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/981611/ha-noi-tap-trung-thuc-hien-7-nhiem-vu-ve-bao-dam-an-toan-thuc-pham