Hà Nội, Thái Nguyên 'bắt tay' khai thác tour du lịch xanh

Để thu hút du khách đến với Thái Nguyên trải nghiệm du lịch xanh cần đa dạng hóa sản phẩm, kết nối với các tỉnh thành xây dựng tour, quảng bá sản phẩm. Đó là ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên diễn ra chiều 1/4/2025.

Vùng đất giầu tiềm năng du lịch xanh

Thông tin từ Sở VHTT&DL Thái Nguyên cho thấy, toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa đã được kiểm kê. Trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt; 57 di tích cấp quốc gia; 237 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Ngoài ra, Thái Nguyên còn có 550 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 23 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nhằm khai thác các địa điểm văn hóa - lịch sử để phát triển du lịch, những năm gần đây, nhiều tour, tuyến du lịch lịch sử - văn hóa hấp dẫn đã được Thái Nguyên đưa vào khai thác, trong đó nổi bật là du lịch xanh gắn với sinh thái cộng đồng, du lịch nông nghiệp.

Theo Giám đốc Khu Bảo tồn làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải Nguyễn Thị Thanh Hải, được hình thành và xây dựng vào năm 2003 đến nay bản du lịch cộng đồng Thái Hải đã được Tổ chức Du lịch thế giới vinh danh là “Bản du lịch tốt nhất thế giới” vào năm 2022. Bên cạnh khai thác những bản du lịch cộng đồng gắn với thiên nhiên và văn hóa các dân tộc, Thái Nguyên cũng khai thác hiệu quả hoạt động trải nghiệm du lịch tại các đồi chè ở Tân Cương, La Bằng, Trại Cài, Khe Cốc… Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt chia sẻ, để phát triển thành điểm du lịch đón khách, doanh nghiệp đã xây dựng không gian cho khách trải nghiệm hái và làm chè; khu giới thiệu các sản phẩm chè đạt chất lượng OCOP.

Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Nguyên Lê Ngọc Linh cho biết, nhằm thu hút du khách đến với Thái Nguyên, thông qua việc khai thác du lịch xanh năm 2024, ngành du lịch Thái Nguyên đón hơn 3,4 triệu lượt khách. Trong đó khách quốc tế đạt trên 150.000 lượt, tỷ lệ khách lưu trú tại Thái Nguyên chỉ chiếm khoảng 38%... Nhằm tiếp tục quảng bá du lịch xanh, nhân kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 du lịch Thái Nguyên sẽ tổ chức Tuần văn hóa, thể thao và du lịch Thái Nguyên năm 2025 với chủ đề “Trải nghiệm xứ Trà đậm đà bản sắc”.

Khách du lịch tham quan đồi trà Thái Nguyên, Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch tham quan đồi trà Thái Nguyên, Ảnh: Hoài Nam

Liên kết để phát triển tour mới

Mặc dù có nhiều sản phẩm mới tạo được sức hấp dẫn riêng, song du lịch Thái Nguyên đến nay vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phải là điểm dừng chân lâu dài của du khách, điều đó cho thấy Thái Nguyên nên đảy mạnh liên kết với Hà Nội và các tỉnh lân cận xây dựng tour liên tuyến và quảng bá sản phẩm.

Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội Phạm Tiến Dũng nêu rõ, du lịch Thái nguyên khá phong phú nhưng chưa xây dựng được tour đặc trưng, để hút khách Thái Nguyên cần xây dựng tour chủ đạo. Để làm được việc này đòi hỏi Thái Nguyên liên kết với các tỉnh lân cận như Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Cao Bằng…xây dựng tour liên kết. Nhưng để làm được điều này đòi hỏi du lịch Thái Nguyên và các điểm đến nên có những cơ chế ưu đãi dành cho nhẽng doanh nghiệp đối tác với Thái Nguyên trong việc triển khai tour liên kết. “ Du lịch Thái Nguyên cần đẩy mạnh kết nối với Hà Nội, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… xây dựng tour liên tuyến qua đó kéo dài thời gian lưu trú của du khách” - ông Dũng hiến kế.

Quang cảnh hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên (chiều 1-4). Ảnh: Hoài Nam

Quang cảnh hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Thái Nguyên (chiều 1-4). Ảnh: Hoài Nam

Đồng tình với ý kiến này, Phó Chủ tịch Thường trực Chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nhận xét, Thái Nguyên có nhiều điểm du lịch rất đẹp và hấp dẫn, điển hình như bản cộng đồng Thái Hải nhưng cách làm truyền thông, quảng bá chưa chuyên nghiệp. Đa số người dân tự quảng bá điểm đến chứ chưa có chiến lược truyền thông bài bản. “Để các điểm đến của Thái Nguyên được biết đến nhiều hơn, cần phải có sự chung tay của lãnh đạo địa phương, cộng đồng người dân. Ngoài ra, địa phương cần thường xuyên tổ chức kết nối các đơn vị lữ hành, có cơ chế liên kết nhằm tạo tuyến điểm mới cho du khách”, ông Thắng đề xuất.

Thông tin về hoạt động song hành với du lịch Thái Nguyên thu hút du khách, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam Nguyễn Chính Nam cho biết, đơn vị đã phối hợp với Thái Nguyên triển khai tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, qua đó tạo thêm sản phẩm dịch vụ mới, góp phần phát triển ngành du lịch tại địa phương. “Tuyến tàu được thiết kế đặc biệt, nhằm tạo ra không gian trải nghiệm văn hóa trà cho du khách với các sản phẩm OCOP đặc sắc như chè Tân Cương nổi tiếng”- ông Nam thông tin.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Kim Oanh cũng cam kết thời gian tới chúng tôi sẽ xây dựng các sản phẩm cho khách trải nghiệm từ 1 đến 3 ngày. Bên cạnh đó, Hiệp hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên sẽ liên kết với các địa phương lân cận, trong đó có Thủ đô Hà Nội để tạo tuyến điểm du lịch trải nghiệm xuyên suốt”, bà Kim Oanh chia sẻ.

Khách du lịch tham quan làng dân tộc Thái Hải. Ảnh: Hoài Nam

Khách du lịch tham quan làng dân tộc Thái Hải. Ảnh: Hoài Nam

Dưới góc độ cơ quan quản lý, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu đề xuất, thời gian tới, du lịch Thái Nguyên nên đẩy mạnh liên kết, hợp tác với Hà Nội đa dạng hóa tour du lịch theo hướng tạo ra sản phẩm mới, độc đáo làm thỏa mãn nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch. Việc liên kết, hợp tác giữa Hà Nội và Thái Nguyên với mục đích xây dựng những tour du lịch mới, hấp dẫn nhằm thu hút nhiều hơn lượng khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội, Thái Nguyên. Hai địa phương phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ các điều kiện cho các công ty lữ hành, điểm đến của hai bên có cơ hội liên kết, phối hợp nghiên cứu, khảo sát, xây dựng những sản phẩm đặc sắc, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của thị trường khách du lịch. Đồng thời tăng cường phối hợp với Hà Nội trong hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-thai-nguyen-bat-tay-khai-thac-tour-du-lich-xanh.658681.html