Hà Nội, tháng ngày trầm tư
Hà Nội đang trong những ngày 'căng' nhất kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mà lại rất khó để bắt gặp sự vội vàng, cả trong cuộc sống thường ngày, lẫn trên không gian mạng. Những khu phố cổ, phố cũ giống như một người đang trầm tư trước thời cuộc. Không phải không lo âu, hay cả những nỗi sợ len lén, nhưng ở chốn kinh kỳ nghìn năm văn hiến, từng được tôi rèn qua bao thăng trầm lịch sử này, dường như càng khó khăn càng khơi dậy trong mỗi con người ta một 'tâm thế Hà Nội'. Đó là nội lực, là sự chuyển hóa những âu lo, thành một sức mạnh tinh thần, để đón nhận, và ứng phó với dịch bệnh một cách bình thản.
Phố cổ Hà Nội bắt đầu buổi sáng bằng những cánh cửa hé mở, rất khẽ. Mấy ngày nay, những con ngõ nhỏ xíu cũng treo lên tấm biển “Vùng xanh”, cảnh báo người lạ không nên ra, vào và nhắc nhở người trong ngõ chỉ ra ngoài khi có việc cần. Mỗi con ngõ ấy, luôn có một vài người “gác chốt”. Một đôi chiếc ghế nhựa, một chiếc bàn con con được bày ra ở nơi “cắm chốt”. Mấy bác “gác chốt” đeo khẩu trang ngay ngắn ngồi hàng giờ đồng hồ, bên ngõ, nhưng cũng hiếm người qua lại.
Trông không giống một cảnh sống giữa bốn bề dịch bệnh. Ở các phố Hàng Bông, Hàng Gai, hay Hàng Đồng, Hàng Bạc... những hình ảnh cứ thế lặp lại. Ngay gần những chốt kiểm soát, những người cũng đeo khẩu trang, ngồi ngay ngắn từ trong nhà nhìn phố phường qua cánh cửa hé mở. Đôi khi, cảm giác người ta đang ngồi đó để “thưởng thức” phố phường. Không phải ngẫu nhiên, nhiều người ví Hà Nội những ngày giãn cách như một buổi sáng mồng Một Tết.
Qua những phút đầu cập rập chuẩn bị cho giãn cách, người Hà Nội trở về bản thể của mình, nhất là nhịp sống ở phố cổ. Ngoài những phương án cung ứng hàng hóa thiết yếu của chính quyền thành phố, trong mỗi gia đình, mọi thứ đều được chuẩn bị kỹ càng, được lên các phương án, từ mớ rau cho đến cân thịt.
Cái gì mua ở đâu, từ nguồn nào, đều nằm trong danh sách của các bà nội trợ, thậm chí cả cái húng, cọng hành, quả chanh, miếng ớt! Ba tuần giãn cách, cuộc sống vẫn tuần tự diễn ra. Lo lắng ư? Nỗi sợ ư? Có đấy. Nhưng ít thấy những lời kêu than, kiểu như: “Cách ly thì chết đói à”, hay “Giãn cách thì sống sao đây”... Ngay cả trên các trang mạng xã hội, nơi người ta dễ tùy tiện phát ngôn hơn, cũng thế.
Hà Nội đã nhiều đổi thay, nhưng phố cổ là nơi lưu giữ văn hóa Hà Nội “đậm đặc” nhất. Ai chưa bước vào những con ngõ ở đó, thì chưa biết đến cuộc sống người Hà Nội, chưa biết đến “chất” người Hà Nội. Những con ngõ nhỏ xíu ở phố cổ, bề ngang chỉ khoảng 70 - 80 cm, nhưng thường thì sau khi đi qua một quãng tối hun hút, không gian sẽ mở ra bởi một cái giếng trời nho nhỏ, rộng khoảng chục mét vuông.
Đấy là không gian chung của cả “cộng đồng ngõ”. Con ngõ số 8 phố Hàng Ngang (quận Hoàn Kiếm) là một điển hình như thế. Bên trong con ngõ, có một cái sân nhỏ, không quá 15 mét vuông. Từ cái sân ấy, tỏa đi ra các ngách, khi lên cao, khi xuống thấp, có bảy hộ gia đình, với mấy chục con người sinh sống.
Ngoài mấy năm đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, ông Nguyễn Đức Lâm chưa bao giờ xa con ngõ của mình suốt gần sáu mươi năm qua. “Dịch giã, rồi giãn cách. Vi-rút thì dễ lây, sống chung trong con ngõ nhỏ tí thế này, thì phải làm thế nào? Chắc nhiều người sẽ nghĩ thế. Nhưng đấy là “chuyện” của Hà Nội!”, ông Lâm bảo. Bóc đi cái lớp vỏ của mặt tiền ồn ào, những con ngõ là “bảo tàng” của nếp cũ Hà thành.
Những gia đình đều sinh sống bên nhau qua cả mấy thế hệ. Nếu không, thường thì cũng dăm bảy chục năm, kể từ khi giải phóng Thủ đô. Người Hà Nội vốn nền nã, nhẹ nhàng, ai cũng biết. Nhưng không phải ai cũng biết là họ sống thành cộng đồng gần gũi nhau như thế, người ta “trông vào nhau mà sống”. “Người ta giữ sĩ diện lắm. Sĩ diện bây giờ hay được hiểu theo nghĩa tiêu cực. Sĩ diện theo cách ngày trước là giữ tiếng, giữ thể diện cho cá nhân, gia đình, không để trong nhà có điều tiếng với mọi người.
Sống gần nhau như thế, một anh đi về muộn thôi, cả xóm biết liền. Cái nền nếp vẫn duy trì từ ngày xưa, hình thành thói quen “tự kiểm soát”. Bây giờ dịch bệnh thì thế nào? Ai cũng sợ mang tiếng cả. Chật chội, ở trong nhà thì bức bối. Nhưng mọi người thu vén gọn trong cái góc của mình. Sáng ra, hé cửa là nhìn thấy nhau. Ai cũng khẩu trang, thì chào nhau bằng cái gật đầu. Phần vì tự bảo vệ, phần vì sợ mang tiếng.
Cho đến khi ra ngoài cũng phải cẩn thận, phải thực hiện “đúng quy trình” phòng dịch. Nhỡ làm sao thì mang tiếng là “mang dịch về nhà”, ông Lâm gật gù kể về cách ứng xử của người dân phố cổ nơi mình sinh sống và tiếp: “Cái đấy chúng tôi vẫn hay bảo là nền nếp của những người “có gốc””.
Đi sâu hơn nữa, vào cuộc sống mỗi gia đình, cái cách ứng xử của người Hà Nội cũng... khác biệt. Khi thành phố mới thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, rồi Chỉ thị 15+, việc đi lại còn chưa khó khăn, nhiều gia đình rủ nhau đặt mua sen về... ướp trà - một cách để thời gian trôi qua đỡ nhàm chán, nhưng lại “rất Hà Nội”. Hoặc nấu nướng những món ăn tốn thời gian hơn, mà bình thường ít có cơ hội.
Đến khi thực hiện giãn cách một cách triệt để hơn, theo Chỉ thị 16, người Hà Nội vẫn không “cai” được thói quen của mình. Có gia đình tự làm bánh khúc. Nhưng dịch bệnh, cách ly giờ không mua được rau khúc, nhiều người giã rau cải ra làm “giả” bánh khúc. Lại có nhà thèm bát phở, kỳ cạch tìm gia vị nấu. Thiếu vị, nhưng vẫn vui. Vui vì bỗng nhiên có dịp dựng lại cái “nếp cũ”, bỗng nhiên, gia đình quây quần, người nọ bảo người kia mỗi người một việc. Có gia đình cùng con học nhạc, đọc sách...
Những chuyện như thế làm tôi chợt nhớ đến câu chuyện Hà thành đón Tết Đinh Hợi năm 1947. Đó là lúc Thủ đô đứng lên cùng toàn quốc kháng chiến. Giành giật với địch từng căn nhà, góc phố, thế mà tự vệ thành vẫn đón Tết đầy lãng mạn, hào hoa, có nến, có hoa đào, có bánh chưng... Tôi cũng nhớ câu chuyện cụ Nguyễn Bích Thảo, vốn là một cô gái ở phố Đồng Xuân xung phong làm cảm tử quân kể lại.
Ngày ấy cô Thảo và mấy anh chị tự vệ khác phải đối mặt với quân Pháp, suýt nữa có người hy sinh, chỉ vì đi kiếm quả gấc về nấu xôi hình “cờ đỏ sao vàng” cho đêm 30 Tết. Rồi nữa, là câu chuyện “tiếng dương cầm trong căn nhà đổ” mà nhà thơ Phan Vũ viết trong thi phẩm “Em ơi, Hà Nội phố” (sau này được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc thành bài hát cùng tên và trở thành một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội) ngay sau một trận không quân Mỹ trút bom năm 1972...
Hà Nội chộn rộn hơn vào khoảng gần trưa và xế chiều. Đến 18 giờ, khi thành phố lên đèn, sự trầm tư lại hiện hữu khi sắc vàng của ánh đèn buổi tối bắt đầu lấn át ánh sáng cuối ngày. Ngoài nhịp gấp gáp của những shipper, hình như, muốn người Hà Nội vội vã hơn không phải điều dễ, ngay cả khi nhiều tuyến phố bắt đầu “đóng cửa” bằng những rào chắn để hạn chế đi lại. Sẽ có người nhìn thế và bảo rằng, người Hà Nội bàng quan trước thời cuộc. Nhưng thế là oan cho người Hà Nội lắm.
Bàng quan thì làm sao có nơi “thừa” cả người xung phong giữ chốt kiểm soát dịch bệnh, ở cả “vùng xanh”, lẫn “vùng đỏ”? Ở cái mảnh đất đã được tôi rèn qua bao thăng trầm, ở cái mảnh đất văn hóa được “chưng cất” thành tinh hoa này, người ta thường ứng xử với thời cuộc bằng “tâm thế Hà Nội”.
Đằng sau cái bình thản ấy, là nội lực, là sự chuyển hóa những âu lo thành sức mạnh tinh thần để đón nhận, và ứng phó với thách thức. Hẳn nhiên, lại sẽ có người bảo bây giờ có “Hà Nội nọ”, “Hà Nội kia”. Hà Nội giờ rộng gấp nhiều lần độ trước, với những luồng cư dân mới không ngừng đổ đến. Có những “nếp cũ” lan tỏa đến vùng đất mới, hoặc “cư dân mới”. Và cũng có những chỗ, cái mới lấn át cái nếp cũ ấy. Đấy là điều không tránh được, trong tiến trình vận động và phát triển. Nhưng trong dòng chảy cuộc sống, những điều tốt đẹp, vẫn thường luôn có giá trị lan tỏa.
Hà Nội rồi sẽ kết thúc đợt phong tỏa, sẽ không còn những lời than vãn xuất hiện nhiều nhất bây giờ là... thèm ăn phở! Tưởng là lạ, nhưng với Hà Nội thì không. Quà, vốn là một phần cuộc sống cư dân Hà thành. Xa những món quà quen thuộc, nhất là bát phở nghi ngút, thơm mùi hồi, quế và nước xương bò hầm hay thơm mùi chanh ớt, nước xương gà trong cái mát mẻ của sáng thu là nỗi dằn vặt của nhiều người.
Nhưng đừng vội nghĩ, kết thúc giãn cách sẽ là những “ngày ăn uống”. Anh bạn tôi bảo: Buổi sáng đầu tiên sau khi hết giãn cách mấy lần trước, hầu như không quán phở nào mở cửa. Quán sá cũng chưa vội đông ngay. Phải vài hôm sau hàng quán mới rậm rịch, dù người Hà Nội đã... thèm phở lắm rồi. Đường phố vài ngày sau mới nhộn nhịp. Người Hà Nội, vẫn đón nhận cái đổi thay, một cách bình thản và chậm rãi như thế...
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/xahoi/ha-noi-thang-ngay-tram-tu-659868/