Hà Nội: Thành lập các đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu
Ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, nhằm bảo vệ sức khỏe người dân, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội thành lập 2 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2024.
Theo đó, từ nay đến Tết Trung thu, các đoàn tăng cường kiểm tra công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các khách sạn từ 3 sao trở lên trên địa bàn thành phố có sản xuất bánh Trung thu. Nội dung kiểm tra tập trung vào nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất, chế biến, vệ sinh cá nhân và kiến thức người sản xuất bánh Trung thu.
Trong dịp này, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra chất lượng, quy trình sản xuất bánh Trung thu tại 2 khách sạn 5 sao là Sheraton Hà Nội và InterContinental Hà Nội Westlake. Tại 2 khách sạn này, đoàn kiểm tra đánh giá, quy trình sản xuất bánh Trung thu và khu vực sản xuất, chế biến bảo đảm sạch sẽ, được phân khu riêng biệt, đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đại diện các khách sạn cung cấp đầy đủ giấy tờ, thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh, phiếu khám sức khỏe của nhân viên trực tiếp sản xuất bánh Trung thu.
Đoàn kiểm tra lưu ý, 2 khách sạn cần đầu tư, thay thế, nâng cấp một số chỗ gạch lát sàn bếp đã xuống cấp, thay mặt bàn đá bằng mặt bàn inox, đồng thời thường xuyên tăng cường khâu vệ sinh khu chế biến, kho... Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội đã lấy mẫu bánh Trung thu tại các khách sạn này để kiểm nghiệm chất lượng theo quy định.
Theo khuyến cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng tuyệt đối không mua các loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng trôi nổi, hàng “siêu rẻ” hay giảm giá trên mạng. Người tiêu dùng hãy tìm mua sản phẩm có nhãn mác đầy đủ, rõ nguồn gốc, xuất xứ, còn thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, khi mua bánh Trung thu, người tiêu dùng nên quan sát sản phẩm bằng cảm quan như: Bánh không bị biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, mốc và có mùi lạ... Khi mua về, người tiêu dùng cần bảo quản, sử dụng bánh theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2024. Theo đó, từ ngày 5/8 đến 20/9, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm dịp Tết Trung thu.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tập trung tuyên truyền việc thực hiện nghiêm quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, sử dụng phụ gia, hương liệu, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm...
Các sở, ngành, địa phương tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn, chế biến, bảo quản, sử dụng thực phẩm an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định. Các sở, ban, ngành căn cứ tình hình quản lý, chủ động tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều dịp Tết Trung thu.
Các quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu năm 2024 tại xã, phường, thị trấn; kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn; truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn. Đồng thời tổ chức ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định...