Hà Nội: Thành phố của những điều bình dị
Hà Nội lặn vào từng tấm ảnh, tôi đi tìm góc tuổi thơ. Tìm trong hốc quán cà phê nhỏ tối, âm u màu thời gian.
1. Phố nhà tôi xưa bán bát sứ. Nhà nào cũng có các ô tường để bày bát. Bà tôi kể rằng, thời đó chữ tín luôn được đặt lên hàng đầu, không có chuyện đốt vía khách hàng, càng không có chuyện “bún chửi, cháo quát” như bây giờ...
Ngôi nhà cũ già theo năm tháng. Căn hầm chạy dọc theo chiều sâu nhà chả chứa của nả gì, chỉ có đống bát đĩa vỡ nhắc nhớ về lịch sử một con phố đã không còn như xưa nữa. Tôi lớn lên, phố cũng nhiều thay đổi. Những căn nhà mái ngói âm dương hệt như Phố Phái bị giật đổ. Người ta xây những chòi bê tông ngất ngưởng trông như một anh cao kều mà chân cẳng lại teo tóp. Xuất hiện nhiều hơn những quán cà phê hiện đại, những quán ăn màu Tây phương.
Nhớ phố cũ, tôi hay tạt sang các phố bên như Lãn Ông, Thuốc Bắc, Lò Rèn..., nay vẫn còn chút dư âm của phố nghề xưa. Lãn Ông, Thuốc Bắc thơm thơm mùi thuốc; Lò Rèn vẫn còn vài số nhà đỏ lửa, mà đáng nhớ nhất là góc bễ của người con cụ Thịnh ở tam giác Hàng Đồng-Lò Rèn vẫn bền bỉ nuôi lửa. Ánh lửa truyền từ thời rèn dao, rèn kiếm, nòng súng...chống quân xâm lược đến giờ. Nhìn vào ngọn lửa, gạn gùng soi lại hình ảnh một thời nghèo khó mà nhiều dư vị.
“Buôn có bạn, bán có phường”, hàng rong đủ kiểu túa ra từ các phố, các vùng ven đô. Cuộc sống thở những nhịp rất đời trên những gánh hàng. Những tiếng rao buồn như phận người, ám ảnh những đêm mùa đông giá rét. Những hàng “nước vối nóng, điếu cày kêu” khắc khoải sân ga Hàng Cỏ. Những hàng phở gánh lấp ló lửa hồng, xuýt xoa niềm vui giản dị.
Cứ giở lại những trang tuyệt bút của Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Thạch Lam..., vẫn còn nguyên không khí. Chữ nghĩa mãi vang bóng mà phố xưa đã mất. Thi thoảng lại phải ngồi nhâm nhi ghép từng mảnh phố theo trí nhớ và những câu văn ám màu ký ức.
2. Hà Nội có những ngày đẹp như từng con chữ. Những dấu tích một thời của cải vật chất là tem phiếu, là gạo dầu phân phối. Nhưng tâm hồn nhất định phải ở tầm mức thanh cao nhất. Hà Nội trong góc nhớ cũ càng, tôi còn lưu giữ album ảnh quý giá do nghệ sĩ Quang Phùng chụp. Vượt khỏi độ bền của giấy ảnh, những tấm hình có độ sâu của một đẳng cấp chụp đã nhìn thấu hồn vía từng người, lọc đi vết bụi xước thời gian để giữ lại trong ánh sáng từng chân dung gương mặt, nụ cười. Từng bức ảnh không chỉ của riêng tôi, gia đình, người thân, mà có cả dáng hình Hà Nội cái thời chưa nhiều phôi phai thời cuộc.
Lớn lên, tôi mới biết ông Quang Phùng là một nghệ sỹ có tên tuổi không chỉ của Hà Nội, và cũng không chỉ chuyên chụp chân dung. Kể từ đó tôi dõi theo ông như dõi theo một người thân quý đã giúp mình lưu giữ những kỷ niệm. Hà Nội trong những bức hình của ông đã có nhiều thay đổi. Những gương mặt đa dạng hơn, nhiều nỗi, nhiều góc, đa tính cách; những hình bóng đô thị thô rám hơn những trong veo ngày cũ.
Đó là một Hà Nội thơ ngây, thanh sạch. Dưới làn bom đạn, trong mỗi ngôi nhà Hà Nội vẫn có những bông sen thơm thảo, làm bối cảnh cho những bức hình. Sự khiêm nhường kín tiếng làm nên giá trị của một thành phố sống nhờ những điều bình dị. Chân dung phố có hoa thơm bên những tấm áo sờn vai, nụ cười răng đen hạt huyền của những người bà, người mẹ.
Gần đâu đây, người ta vẫn thấy nghệ sỹ Quang Phùng lặn lội sớm tinh sương săn ảnh ở những khu vực thân quen Hà Nội. Những mảnh Hà Nội ông gom lại hằn cả nỗi đau: Những người nghiện, những người lang thang... Nhưng sâu thẳm trong khuôn hình luôn là cái nhìn nhân bản, nặng nỗi cảm thông chứ không soi mói, lật tẩy... Đó là sự khác nhau cơ bản giữa thói mượn danh với một nghệ sỹ sống trọn vẹn cho nghệ thuật, cho Hà Nội.
3. Hà Nội-lặn vào từng tấm ảnh, tôi đi tìm góc tuổi thơ. Tìm trong hốc quán cà phê nhỏ tối, âm u màu thời gian. Còn sót lại dăm ba chuyện cũ đang lọt thỏm giữa ồn ào xa lạ. Nó phải nép vào để tránh bị nuốt chửng trong những cái mới. Bà chủ quán vẫn nguyên một gương mặt Hà Nội cũ dù năm tháng đã lấy đi những nét thanh tân.
Trên gương mặt đó, nụ cười ý vị, nhẹ nhõm nở vào một sớm thu không thể dịu dàng hơn. Những bông cúc nói bằng màu vàng day dưa của một loài hoa bền bỉ; những đóa sen thì khiêm nhường ấp iu phong vị thiền; thời gian từng chặng, từng chặng điểm nhịp trên chiếc đồng hồ cổ có chú chim gật gù; trên ngăn kệ, chiếc đài cũ có cái núm vặn mòn vẹt vẫn đều đều rót thanh âm xuống góc tràng kỷ tối.
Cà phê cứ phải pha phin. Chiếc phin không bóng lộn như chiếc ly rượu vang, mà vương một lớp tháng năm nâu thẫm. Cái mùi vị thao thiết không mời gọi rộn ràng như những quán nhậu ngay cạnh đó, mà níu kéo người ta vào khoảng trắc ẩn ở chính bên trong mình. Từng giọt nhẩn nha đến khó chịu không dành cho những kẻ ưa vội vã. Cái gì đến sẽ đến. Cái gì đang qua thì cũng đang trôi. Cái gì mất cũng đã mất.
Ở đó, mỗi khi buồn, tôi được nghe khúc hát trong bài “Chim sẻ tóc xù” Trần Tiến mượn ý và tứ thơ Lưu Quang Vũ: “Cuộc đời mà lại xấu xa/ Thì sao cây táo nở hoa/ Thì sao giếng nước trong veo...”. Hôm rồi lật tìm được cuốn sổ tay hồi đi học, thấy bài thơ “Phố ta” nằm trong trang sổ chép thơ đã ngả vàng. Từng nốt chữ còn nguyên những rung động thời trai trẻ. “Phố nghèo của ta, phố nghèo của ta/ Những giọt nước sa/ Trên cành thánh thót/ Lũ trẻ lên gác thượng/ Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng...”.
“Con chim sẻ tóc xù” giờ vẫn đi đi về về trong ngôi nhà của mình, chăm sóc bọn nhóc nhà mình. Và năm tháng cứ trôi như chuyến tàu không về lại ga nữa. Cuốn sổ thơ mở ra rồi gấp lại. Mỗi bài thơ như một dấu vết của tâm hồn, một lời thú tội về những mối tình thơ dại, hay là những quãng ngân và lặng của những ngày trai tráng...
Tôi tin lắm vào những điều tử tế trong cuộc đời bộn bề này. Hà Nội của tôi vẫn luôn là những gì gần gũi nhất, không chạy đua theo kích cỡ, sắc màu hào nhoáng.
Với tôi, Hà Nội vẫn luôn là thành phố của những điều bình dị.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-thanh-pho-cua-nhung-dieu-binh-di-354703.html