Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc để hoàn thành dự án lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa
Đến nay, ngân sách thành phố Hà Nội đã bố trí 26.026,7 tỷ đồng thực hiện 1.218 dự án, trong đó dự án cấp thành phố đã bố trí 2.634,7 tỷ đồng với 40 dự án.
Ngày 31/7, Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban của Ban Chỉ đạo nhằm đánh giá kết quả công tác thời gian qua, triển khai nhiệm thời gian tới.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các Phó Trưởng ban Chỉ đạo: Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Vũ Thu Hà; thành viên Ban chỉ đạo; lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã.
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Trung Hiếu (cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết, tổng số dự án đầu tư cho ba lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa được cập nhật tại kỳ họp thứ 17 Hội đồng nhân dân thành phố (tháng 7/2024) gồm 1.457 dự án, ngân sách thành phố hỗ trợ 44.056,9 tỷ đồng (đã bao gồm 16 dự án trường trung học phổ thông do ngân sách cấp huyện bố trí 100% vốn và 4 dự án xã hội hóa đầu tư).
Đến nay, ngân sách thành phố đã bố trí 26.026,7 tỷ đồng thực hiện 1.218 dự án, trong đó dự án cấp thành phố đã bố trí 2.634,7 tỷ đồng với 40 dự án. Đối với dự án hỗ trợ cấp huyện, ngân sách thành phố đã bố trí 23.392 tỷ đồng cho 1.178 dự án (đạt 70% kế hoạch); ngân sách cấp huyện đã bố trí đối ứng 4.205,9 tỷ đồng với 1.153 dự án (đạt 22% kế hoạch).
Về tiến độ thực hiện các dự án, đến tháng 7/2024, đã phê duyệt chủ trương đầu tư: 1.384/1.458 dự án (đạt 95%); đã phê duyệt 1.239/1.458 dự án (đạt 85%); đã khởi công và triển khai xây dựng 855 dự án. Giai đoạn 2021-2023 hoàn thành 366 dự án; dự kiến năm 2024 hoàn thành 449 dự án; lũy kế đến hết năm 2024 dự kiến có 815 dự án hoàn thành (đạt 56% số dự án). So với kỳ họp Ban Chỉ đạo thành phố tháng 4/2024, đã có thêm 27 dự án mới được phê duyệt chủ trương đầu tư, 28 dự án mới được phê duyệt, 11 dự án mới khởi công.
Tại hội nghị, các địa phương kiến nghị Thành phố một số giải pháp, trong đó đề xuất các sở ngành của theo chức năng nhiệm vụ, tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã để đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ đối với các dự án trình phê duyệt/điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt/điều chỉnh quy hoạch đảm bảo quy định và tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Thành phố về đầu tư 3 lĩnh vực.
Để hoàn thành kế hoạch đầu tư các dự án đối với 3 lĩnh vực vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt, tại hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân Phạm Quí Tiên và Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Vũ Thu Hà cho rằng, các đơn vị có dự án điều chỉnh cần khẩn trương báo cáo để Ủy ban nhân dân để tổng hợp trình Hội đồng nhân dân vào tháng 9 tới.
Đối với các dự án trường học, các quận, huyện, thị xã cần có dự báo quy mô, tỷ lệ trẻ đến trường với định hướng chung tổng thể trong giai đoạn tới để mang lại hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Trưởng ban Chỉ đạo Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá cao các ý kiến trao đổi của lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, sở, ngành. Các đơn vị đã nắm kỹ đầu việc để báo cáo, đề xuất, kiến nghị các giải pháp. Đặc biệt một số đơn vị đã chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng giao Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo tập trung rà soát, đánh giá tình hình, khả năng triển khai, hấp thụ kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, năm 2024, 2025 của 3 lĩnh vực; đồng thời, xây dựng phương án điều chỉnh tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp Thành phố trên cơ sở bảo đảm khả năng huy động nguồn lực của Thành phố, tính khả thi trong tổ chức thực hiện các hoạt động đầu tư công, trình Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định tại các kỳ họp chuyên đề, thường lệ cuối năm 2024 bảo đảm tuân thủ quy định của Luật Ngân sách, Luật Đầu tư công.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố đề nghị các đơn vị rà soát các dự án cấp Thành phố, cấp huyện; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để tháo gỡ cụ thể từng dự án với mục tiêu quyết tâm thực hiện hoàn thành kế hoạch đối với 3 lĩnh vực.
Đối với các dự án chương trình mục tiêu quốc gia, dự án ngân sách Thành phố hỗ trợ mục tiêu cấp huyện, các đơn vị cần căn cứ vào việc rà soát, đánh giá tính khả thi của dự án; đề xuất điều chỉnh mang tính tổng thể của mỗi địa bàn quận, huyện, thị xã, bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc ngân sách hỗ trợ đã được Hội đồng nhân dân Thành phố quyết nghị.
Trong quá trình thực hiện, yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai, thường xuyên rà soát tiến độ, nắm bắt khó khăn vướng mắc để chủ động tìm giải pháp hoặc kịp thời báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Thành phố nhằm quyết tâm hoàn thành đạt kết quả cao nhất kế hoạch đã đề ra.