Hà Nội: Thấy gì từ bảng kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Tây Hồ vừa được duyệt?
UBND TP Hà Nội vừa có quyết định về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Tây Hồ. Theo đó, nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn quận nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm nay.
UBND TP Hà Nội vừa phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Tây Hồ, bao gồm 89 dự án với tổng diện tích 348,92 ha.
Các dự án trong kế hoạch năm 2025 tập trung chủ yếu vào việc xây dựng các tuyến đường giao thông, phát triển khu đô thị và cải tạo cảnh quan. Trong đó, đáng chú ý là Khu đô thị Nam Thăng Long với diện tích 52 ha do Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long làm chủ đầu tư, dự án Khu đô thị mới Tây Hồ Tây - giai đoạn 2 với diện tích 55,8 ha do Công ty TNHH Phát triển THT triển khai. Đây là hai dự án lớn, góp phần định hình lại diện mạo đô thị tại quận Tây Hồ.
Ngoài ra còn có dự án Xây dựng 3 tuyến đường khung và quảng trường trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây của Công ty TNHH Tây Hồ Tây.
Xây dựng cải tạo nâng cấp chợ hoa Quảng An (1,85 ha); xây dựng nhà ga ngầm C6, C7 – Thụy Khuê (dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo); xây dựng nhà văn hóa phường Tứ Liên (1,5 ha); xây dựng công viên sinh thái tại tổ 29, cụm Quảng Bá, phường Quảng An (1,3 ha); đầu tư xây dựng 8 bến thủy nội địa (7,3 ha).
Kế hoạch sử dụng đất năm 2025 cũng bổ sung các dự án mới nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của địa phương. Trong đó, Nhà hát Ngọc Trai và Công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề với diện tích hơn 19 ha, cùng với 8 bến thủy nội địa có tổng diện tích 7,3 ha là những điểm nhấn nổi bật. Đặc biệt, nhiều khu đất nông nghiệp công ích với diện tích khoảng 94ha sẽ được đấu giá cho thuê để sản xuất nông nghiệp, mang lại nguồn thu ổn định cho ngân sách và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.
Danh mục còn có các dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá gồm: Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang đô thị và đấu giá quyền sử dụng đất tại phố Phú Gia (0,3 ha); Khu đất giáp ngõ 123 Võ Chí Công, phường Xuân La (0,02 ha); điểm đất đường Võ Chí Công (0,5 ha); ô quy hoạch R3- S1 vị trí ngõ 264 Âu Cơ (giáp đường 50 m theo quy hoạch), phường Nhật Tân, Quảng An (4,2 ha).
Bên cạnh đó còn có các dự án đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án xây dựng công trình tổ hợp công viên vui chơi giải trí và phụ trợ (0,27 ha); các khu đất nông nghiệp công ích đấu giá cho thuê để sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các phường (94 ha)...
UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Tây Hồ rà soát và đánh giá khả năng thực hiện các dự án, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Trường hợp phát sinh công trình hoặc dự án mới đủ cơ sở pháp lý, quận cần kịp thời báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để trình UBND TP phê duyệt bổ sung. Đồng thời, quận cũng cần công khai thông tin kế hoạch, giám sát chặt chẽ việc thực hiện thu hồi đất, đảm bảo quá trình triển khai đúng tiến độ và đạt được các mục tiêu phát triển đã đề ra.
Tiến độ những dự án trọng điểm thế nào?
Nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 quận Tây những dự án khu đô thị quy mô lớn được phê duyệt, đó là Khu đô thị Nam Thăng Long (diện tích 52 ha) của Công ty TNHH Phát triển Khu đô thị Nam Thăng Long.
Tại kỳ họp thứ 17 diễn ra hồi tháng 7/2024, HĐND TP Hà Nội đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề thực hiện kỷ luật, kỷ cương trách nhiệm trong thực thi công vụ tại các cơ quan Nhà nước thuộc thành phố.
Giải đáp thắc mắc của cử tri liên quan đến dự án Khu đô thị Nam Thăng Long, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, không chỉ Sở được giao góp ý dự án này, Sở còn phải xin ý kiến các sở, ngành, địa phương.
Dự án khu đô thị Nam Thăng Long là dự án lớn, ngoài tính khách quan là dự án lớn, phức tạp, cũng có trách nhiệm của Sở KH&ĐT và các sở, ngành chưa khẩn trương góp ý, báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND để trả lời Bộ KH&ĐT.
Theo yêu cầu của UBND Thành phố về tiến hành kiểm tra công vụ việc thực hiện dự án này, Sở KH&ĐT đang kiểm điểm tại đơn vị, các lãnh đạo Sở trực tiếp phụ trách, cán bộ thụ lý hồ sơ, từ đó chỉ ra những bất cập để khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết thêm, chủ trương đầu tư dự án có quy mô phức tạp, đòi hỏi sự tập trung cao độ của cơ quan chủ trì là Sở KH&ĐT; năng lực phối hợp của các sở, ngành liên quan.
UBND Thành phố nhận thấy đây là nội dung tồn tại khó khăn, vướng mắc, do đó cần tập trung tăng cường năng lực tổ chức, quản lý triển khai hiệu quả để bảo đảm tiến độ góp ý kiến đối với các bộ, ngành trung ương về các dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư phức tạp; đồng thời củng cố quy trình nội bộ liên quan đến sở, ngành, địa phương.
Dự án tiếp theo nằm trong kế hoạch sử dụng đất năm 2025 của quận Tây Hồ là dự án trung tâm Khu đô thị mới Tây Hồ Tây - giai đoạn 2 (55,8 ha) của Công ty TNHH Phát triển THT.
Cụ thể, khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (Starlake) được phê duyệt quy hoạch lần đầu vào tháng 12/2007, thuộc địa giới hành chính của phường Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) và phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm). Tổng diện tích quy hoạch của khu đô thị Tây Hồ Tây là gần 208 ha. Dự án do Công ty TNHH Phát triển THT làm chủ đầu tư với 100% vốn Hàn Quốc, tổng số vốn đầu tư là hơn 1,3 tỷ USD. Như vậy, dự án thuộc quận Tây Hồ là 55,8 ha.
Cuối tháng 9/2024, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định phê duyệt đồ án Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây (khu đô thị Starlake), tỷ lệ 1/500 tại lô đất B1-CC1-2.
Theo quyết định, lô đất ký hiệu B1-CC1-2 thuộc khu trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, giai đoạn 1, phía Bắc giáp lô đất cây xanh ký hiệu B1-CX1; phía Đông giáp tuyến đường hiện trạng có mặt cắt ngang B=15 m; phía Nam và phía Tây giáp tuyến đường hiện trạng có mặt cắt ngang B= 40 m. Tổng diện tích đất khoảng 23.901 m2.
Tại điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm khu đô thị Tây Hồ Tây, tỷ lệ 1/500 được duyệt, mặt bằng công trình tại lô đất B1-CC1-2 thể hiện trong bản vẽ Sơ đồ tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan mang tính chất minh họa; chưa xác định cụ thể ranh giới, quy mô xây dựng tầng hầm, lối ra vào hầm; vị trí xây dựng các hạng mục công trình kỹ thuật phụ trợ…
Cuối năm 2024, toàn bộ 114 ha thuộc giai đoạn 1 của dự án đã được giải phóng mặt bằng, bàn giao cho chủ đầu tư và đang dần hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật.
Một dự án đáng chú ý nữa là Nhà hát Ngọc Trai cũng nằm trong kế hoạch sử dụng đất vừa được phê duyệt của quận Tây Hồ. Cuối tháng 11/2024, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn đã ký ban hành Quyết định số 6132 về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500. Nơi đây là khu vực nằm sát hồ Tây (quận Tây Hồ), được quy hoạch xây nhà hát Ngọc trai trên mặt hồ Đầm Trị.
Đồ án nhằm cụ thể hóa Quy hoạch phân khu đô thị khu vực hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000 và điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phân khu đô thị A6 tỷ lệ 1/2000 tại các ô quy hoạch 16, 17, 19 cùng các tuyến đường khu vực.
Từ đó hình thành trục cây xanh, khu vui chơi giải trí, công viên văn hóa tâm linh, công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, trong đó xây dựng một nhà hát có quy mô lớn hiện đại tiêu biểu cho thủ đô, với trục không gian cảnh quan công cộng, kết hợp với khu vực phát triển thương mại, dịch vụ, khách sạn phục vụ du lịch nghỉ dưỡng đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định hiện hành...
Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết thuộc địa giới hành chính các phường Quảng An, Tứ Liên.
Tổng diện tích khu đất lập quy hoạch khoảng 44,1 ha với chức năng chính là công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, nhà hát thành phố, công trình tôn giáo tín ngưỡng, khu vui chơi giải trí và dịch vụ khách sạn, thương mại.
Bảng giá đất mới của quận Tây Hồ
UBND TP Hà Nội vừa qua đã điều chỉnh bảng giá đất hiện hành và gia hạn thời gian áp dụng đến hết ngày 31/12/2025. Đồng thời, bổ sung và sửa đổi các quy định liên quan đến nguyên tắc xác định vị trí đất, giá đất theo chiều sâu thửa đất và mức giá giảm dần theo khoảng cách.
Theo đó trên địa bàn quận Tây Hồ, đất ở VT1 tại đường Văn Cao là nơi có giá đắt nhất trên địa bàn, với gần 256,4 triệu đồng/m2. Giá cao thứ hai thuộc về đường Thanh Niên, với 254,8 triệu đồng/m2. Đây cũng là 2 tuyến đường duy nhất của quận Tây Hồ có nơi sở hữu giá đất ở vượt ngưỡng 200 triệu đồng/m2.
Tiếp đến là đất ở VT1 tại đường Mai Xuân Thưởng (địa phận quận Tây Hồ) với gần 196,6 triệu đồng/m2, đường Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Mai Xuân Thưởng đến Dốc Tam Đa) với 188,5 triệu đồng/m2, đường Thụy Khuê (đoạn từ đầu đường Thanh Niên đến Dốc Tam Đa) với 173,4 triệu đồng/m2, đường Yên Phụ (địa bàn quận Tây Hồ) với 160,7 triệu đồng/m2, đường Xuân Diệu với gần 157 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, quận Tây Hồ cũng còn nhiều tuyến đường khác có giá đất ở VT1 vượt ngưỡng 100 triệu đồng/m2 theo bảng giá đất mới.
3 tuyến đường gồm Hoàng Hoa Thám (đoạn từ Dốc Tam Đa đến đường Bưởi), đường Hoàng Quốc Việt (địa bàn quận Tây Hồ), đường Thụy Khuê (đoạn từ Dốc Tam Đa đến cuối đường); cùng có giá 147 triệu đồng/m2.
10 tuyến đường gồm Nguyễn Đình Thi, Nhật Chiêu, Quảng An, Quảng Bá, Quảng Khánh, Trích Sài, Vệ Hồ, Yên Hoa, đường từ ngã ba giao cắt với phố Vũ Tuấn Chiêu (tại Vườn hoa Trịnh Công Sơn) đến ngã ba giao cắt với ngõ 52 Tô Ngọc Vân, đường ngõ 50 Đặng Thai Mai (từ giao phố Quảng Khánh đến hết ngõ); đồng loạt có giá 145,8 triệu đồng/m2.
Kế đến là đường Lạc Long Quân và Võ Chí Công với 135,7 triệu đồng/m2, đường Nghi Tàm (đường gom chân đê, đoạn trong đê) với gần 132 triệu đồng/m2...