Hà Nội thêm 3 ổ dịch dại, 10 người bị chó cắn

Trong tuần, CDC Hà Nội ghi nhận 3 ổ dịch dại trên chó tại Sóc Sơn, 10 người phơi nhiễm với 3 con chó dại.

Ngày 5/8, theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần qua (từ ngày 26-7 đến 2-8), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố đã giám sát ổ dịch trên chó dại tại huyện Sóc Sơn.

(Ảnh minh họa).

Theo đó, từ ngày 25-7 đến 30-7, trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã ghi nhận 3 ổ dịch dại trên chó liên quan đến 3 xã: Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân. Hiện, đã có 10 người phơi nhiễm với 3 con chó dại. Các trường hợp này đã được xử lý vết thương, tư vấn tiêm chủng vắc-xin phòng dại và huyết thanh kháng dại theo đúng quy định.

CDC Hà Nội nhận định, tình hình bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 6 ổ dịch dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn.

Trước đó, sáng 25-7, tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn) xuất hiện 1 con chó dại (không rõ nguồn gốc), nặng khoảng 15kg. Con chó đã tiếp xúc và cắn 13 con chó, mèo của 4 hộ gia đình và cắn 1 người ở thôn.

Sau đó, con chó dại này di chuyển sang thôn Ninh Môn (xã Hiền Ninh, huyện Sóc Sơn) và tiếp tục cắn 2 người (gồm: 1 du khách và 1 bảo vệ) tại điểm tham quan Việt Phủ Thành Chương. Nhân viên tại đây đã đập chết con chó và báo nhân viên thú y xã Hiền Ninh gửi mẫu đến Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương. Kết quả, con chó dương tính với vi rút dại.

CDC Hà Nội nhận định, tình hình bệnh dại đang có diễn biến phức tạp trên động vật. Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 6 ổ dịch dại trên chó đều tại huyện Sóc Sơn gồm: Minh Trí, Hồng Kỳ, Đức Hòa, Minh Phú, Hiền Ninh, Thanh Xuân.

Bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng từ tháng 5 đến tháng 8. Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt và dẫn đến tử vong.

Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Hiện tại, không có thuốc chữa bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người 100% đều dẫn đến tử vong.

Hiệu quả nhất là phòng ngừa thông qua tiêm phòng bệnh dại cho chó mèo hằng năm và tiêm vắc-xin phòng bệnh dại cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn (hoặc cào có vết thương chảy máu), càng sớm càng tốt.

Người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng thảo dược không rõ nguồn gốc bôi, đắp vào vết thương, không tự chữa ở nhà cho trẻ.

Diệu Thu

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ha-noi-them-3-o-dich-dai-10-nguoi-bi-cho-can-204240508161406206.htm