Hà Nội thi khảo sát giáo viên tiếng Anh: Nỗi lòng cô giáo hoang mang!
CLO) Có giáo viên cho rằng nếu tiếp tục đào tạo giáo viên như đề án 2020 thì thật lãng phí thời gian và tiền bạc của nhà nước.
Mới đây, các trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội nhận được thông báo rà soát giáo viên Tiếng Anh theo chuẩn quốc tế nhằm mục tiêu phân lớp tiếp tục đào tọa nâng chuẩn quốc tế cho giáo viên Tiếng Anh. Thời gian rà soát dự kiến 5/6 đến 25/6.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc khảo sát thời điểm này không phù hợp. Bởi các nhà trường quay trở lại trường sau đại dịch Covid-19, giáo viên và học sinh đang phải gồng mình ôn tập, củng cố lại kiến thức, chuẩn bị cho thi học kỳ 2, ôn thi vào 10 hay ôn thi tốt nghiệp THPT.
Thời gian kết thúc năm học là ngày 15/7, nhưng cuối tháng 6 các giáo viên đã phải tiến hành thi khảo sát (ảnh Trinh Phúc).
Phản ánh với phóng viên một giáo viên (đề nghị xin giấu tên) cho rằng, điều này đã khiến rất nhiều giáo viên tiếng Anh cảm thấy áp lực và hoang mang. Nhìn lại khóa học bồi dưỡng và kỳ thi đánh giá năng lực giáo viên của sở giáo dục theo đề án ngoại ngữ 2020 cách đây vài năm giáo viên này cho biết: “Tôi thấy có những bất cập.
Nhiều giáo viên đã có bằng thạc sĩ về phương pháp giảng dạy tiếng Anh của các trường đại học danh tiếng trên thế giới, mà điều kiện để được vào học thạc sĩ ngoài bằng tốt nghiệp đại học ra, bắt buộc phải có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên không kỹ năng nào dưới 6, nhưng vẫn phải tham gia thi rà soát để xếp lớp học bồi dưỡng và thi lấy chứng chỉ theo khung năng lực 6 bậc của Việt Nam (B2 nếu là giáo viên TH, THCS và C1 nếu đang dạy THPT)”.
Theo phản ánh thì năm 2016 sở đã tổ chức các khóa học về phương pháp giảng dạy mời giáo viên từ các trung tâm tiếng Anh đến dạy, giáo viên không được đào tạo chuyên sâu về phương pháp giảng dạy tiếng Anh cho người nước ngoài và chính bản thân giáo viên dạy còn chưa thực sự hiểu rõ về các phương pháp mà họ đang trình bày.
Do đó, về mục đích của việc bồi dưỡng nâng cao trình độ cho giáo viên là rất cần thiết để giáo viên có đủ năng lực chuyên môn, tự tin đứng lớp nhất là trong thời đại 4.0 khi mà học sinh dễ dàng tiếp cận với đa phương tiện và sử dụng các phần mềm trong việc học và thực hành tiếng Anh ngày càng thành thạo.
Băn khoăn liệu những khóa học tiếp theo của sở giáo dục tổ chức sẽ như thế nào.
Nếu vẫn tiếp tục đào tạo giáo viên như đề án 2020 thì thật lãng phí thời gian của giáo viên và tiền bạc của nhà nước.
“Tôi không biết giáo viên các trường khác như thế nào nhưng với giáo viên trường tôi, tất cả đều ý thức được rằng nếu không tự trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn của mình thì sẽ bị đào thải khỏi trường.
Sở nên tổ chức các lớp tập huấn cho giáo viên về phương pháp giảng dạy các kỹ năng nghe nói đọc viết.
Thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, mời những người có trình độ chuyên môn cao chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Anh sao cho có hiệu quả” - cô giáo này cho biết.
Được biết, trước đây nhiều tỉnh thành lên kế hoạch khảo sát giáo viên tiếng Anh nhưng không thực hiện được.