Hà Nội: Thông qua danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước

Tại Kỳ họp thứ 14, các đại biểu HĐND TP. Hà Nội Khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong 4 lĩnh vực của thành phố.

Ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật để tháo gỡ các "nút thắt"

Theo đó, Nghị quyết quy định danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao với 48 dịch vụ; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội gồm 5 nhóm dịch vụ với tổng cộng 26 danh mục dịch vụ; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn với 21 dịch vụ; danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông với 19 dịch vụ.

Đáng chú ý, trong danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, hoạt động sản xuất sản phẩm báo in, sản xuất sản phẩm báo điện tử, sản xuất chương trình truyền hình, sản xuất chương trình phát thanh, hoạt động xuất bản, hoạt động thông tin cơ sở… được thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ/đặt hàng/đấu thầu do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí.

Nghị quyết của HĐND TP. Hà Nội giao UBND thành phố triển khai thực hiện Nghị quyết; chỉ đạo rà soát, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực và tổ chức triển khai các dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm không trùng lặp hạng mục, nội dung công việc, tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định.

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương trình bày Tờ trình tại kỳ họp

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương trình bày Tờ trình tại kỳ họp

Cũng tại kỳ họp, các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết quy định giá dịch vụ đào tạo đối với 30 nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, đối tượng áp dụng gồm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố; các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của thành phố; các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan. Thời gian thực hiện từ năm 2024.

Trước đó, trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết quy định giá dịch vụ đào tạo đối với 30 nghề trình độ sơ cấp áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh - Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo, cụ thể hóa vào các Kế hoạch 5 năm và hàng năm của địa phương. Việc triển khai đào tạo nghề cho người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề theo quy định trên địa bàn thành phố trong những năm qua thể hiện chủ trương lớn, tính ưu việt và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thành phố đến những đối tượng cần được hỗ trợ đào tạo nghề, có ý nghĩa thiết thực, góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp nông thôn; tạo điều kiện cho lao động nông thôn, những hộ nông dân bị thu hồi đất sản xuất, người khuyết tật, thanh niên, người lao động trong doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện chuyển đổi nghề mới, nâng cao tay nghề, tăng thu nhập đảm bảo đời sống, góp phần vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn…

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Tại kỳ họp, với 92,55% đại biểu có mặt tán thành, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024 của thành phố với mục tiêu tổng quát và chỉ tiêu chủ yếu cụ thể. Theo đó, mục tiêu tổng quát của thành phố là tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của kinh tế Thủ đô. Đẩy mạnh và tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các khâu đột phá, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội tại của nền kinh tế.

Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh "Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số"; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS.

Trong năm 2024, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS

Trong năm 2024, Hà Nội sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao thứ hạng các chỉ số PAPI, PCI, PAR-Index, SIPAS

Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế; thúc đẩy hạ tầng và công nghệ số, ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh. Thực hiện tốt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quản lý chặt chẽ và phát triển hạ tầng đô thị; triển khai thực hiện các quy hoạch được duyệt. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương và giữ vững trật tự an toàn xã hội. Tiếp tục thực hiện năm chủ đề "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo và phát triển".

Long Huỳnh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chuyen-dong/ha-noi-thong-qua-danh-muc-dich-vu-su-nghiep-cong-su-dung-ngan-sach-nha-nuoc-i353253/