Hà Nội thông qua Nghị quyết về 12 nội dung mức chi thuộc thẩm quyền HĐND TP
Sáng 4-7, tại kỳ họp thứ 12 - HĐND TP Hà Nội, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về 12 mức chi theo thẩm quyền. Cụ thể gồm:
1. Mức chi xây dựng đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn 1: từ năm 2021 đến 2025. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách ban hành khoảng 30 tỷ đồng/năm.
2. Quy định một số nội dung chi, mức chi tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội. Bao gồm: chi tuyên truyền, vận động thực hiện các chính sách giải phóng mặt bằng; chỉ điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, kiểm tra, đối chiếu giữa tờ khai với kết quả kiểm kê; chi lập, thẩm định, chấp thuận, phê duyệt, công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chi hỗ trợ cho cán bộ tham gia công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của Hội đồng giải phóng mặt bằng cấp huyện...
3. Nội dung sửa đổi, bổ sung nội dung chi và mức chi thực hiện công tác điều tra dư luận xã hội của TP Hà Nội tại Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 23-9-2021 của HĐND TP tương tự như chế độ chi xử lý kết quả Điều tra thống kê quy định tại Thông tư số 37/2022/TT-BTC ngày 22-6-2022 của Bộ Tài chính. Dự kiến kinh phí thực hiện các cuộc điều tra dư luận xã hội của TP Hà Nội năm 2023 dự kiến là 403 triệu đồng.
4. Sửa đổi, bổ sung một số nội dung và mức chi của các cuộc điều tra thống kê do ngân sách thành phố đảm bảo quy định tại Nghị quyết số 22/2016/NQ-HĐND ngày 8-12-2016 của HĐND TP, dự kiến kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê do ngân sách thành phố đảm bảo dự kiến khoảng 26.200 triệu đồng/năm.
5. Sửa đổi mức chi quy định tại mục 1, Biểu số 03, Phụ lục 02 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND TP quy định chế độ tiếp khách trong nước của TP Hà Nội. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách được ban hành khoảng 27.070 triệu đồng/năm.
6. Sửa đổi một số nội dung, mức chi quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam tại Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐND ngày 8-7-2019 của HĐND TP. Dự kiến kinh phí phát sinh sau khi chính sách ban hành khoảng 5.805 triệu đồng/năm.
7. Quy định một số nội dung, mức chi phục vụ các Đại hội nhiệm kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các Hội có tính chất đặc thù của thành phố; các chương trình làm việc của thành phố và các hội nghị, sự kiện tổ chức trên địa bàn Thủ đô. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách được ban hành khoảng 101.308 triệu đồng/năm.
8. Quy định định mức lập dự toán thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước của TP Hà Nội, dự kiến kinh phí thực hiện khoảng 162.479 triệu đồng/năm.
9. Quy định một số nội dung chi, mức chi thực hiện chế độ đối với người cai nghiện bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc; công tác cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố Hà Nội. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách thành phố đảm bảo theo phân cấp. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng 23.680 triệu đồng.
10. Quy định một số nội dung, mức chi tập huấn, thi đấu và thuê chuyên gia huấn luyện các đội tuyển thể thao Hà Nội. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách ban hành khoảng 13.400 triệu đồng/năm.
11. Quy định chế độ hỗ trợ đối với thầy thuốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân”, “Thầy thuốc ưu tú” của TP Hà Nội: Quy định chế độ hỗ trợ một lần đối với thầy thuốc được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Thầy thuốc nhân dân” là 20 triệu đồng/người, với “Thầy thuốc ưu tú” là 15 triệu đồng/người. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách ban hành khoảng 4.900 triệu đồng/năm.
12. Quy định chế độ hỗ trợ đối với nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” của TP Hà Nội. Cụ thể, quy định chế độ hỗ trợ một lần đối với nhà giáo được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân” là 20 triệu đồng/người, với “Nhà giáo ưu tú” là 15 triệu đồng/người. Dự kiến kinh phí phát sinh tăng sau khi chính sách ban hành khoảng 4.850 triệu đồng/năm.