Hà Nội thu hút mạnh mẽ trí thức, người ưu tú vào Đảng (3): Bệnh viện nhiều thuận lợi, doanh nghiệp vẫn khó khăn
Trong khi khối bệnh viện, cơ sở y tế dường như không gặp nhiều khó khăn trong khâu tạo nguồn, nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới thì các tổ chức, cơ sở đảng tại doanh nghiệp, đơn vị kinh tế còn gặp rất nhiều khó khăn trong công tác này.
Đặt yêu cầu chất lượng lên hàng đầu
Bệnh viện E là Bệnh viện Đa khoa Trung ương hạng I, trực thuộc Bộ Y tế, với gần 1.200 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động. Đảng bộ Bệnh viện E sinh hoạt tại Đảng bộ quận Cầu Giấy (Hà Nội), trong những năm gần đây luôn được Quận ủy Cầu Giấy đánh giá cao về các mặt công tác.
Trong 3 năm gần đây (2020, 2021 và 2022), Đảng bộ Bệnh viện E đã giới thiệu 93 quần chúng ưu tú tham gia bồi dưỡng lý luận chính trị để kết nạp Đảng, 44 đồng chí đảng viên mới tham dự lớp bồi dưỡng đảng viên mới do Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Cầu Giấy tổ chức.
Kết quả, trong 3 năm qua, Đảng bộ bệnh viện kết nạp được 35 đảng viên mới, hoàn thành chỉ tiêu phát triển đảng viên mới đã đề ra.
Chia sẻ với phóng viên An ninh Thủ đô về công tác này, ThS. Bùi Thị Diệp, Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Bệnh viện E cho biết, hàng năm Đảng ủy bệnh viện luôn chủ động trong công tác tạo nguồn phát triển đảng viên mới; kịp thời chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội (Công đoàn, Đoàn Thanh niên) có kế hoạch chăm lo đào tạo, bồi dưỡng quần chúng ưu tú để xem xét giới thiệu kết nạp Đảng.
Việc xét, lựa chọn quần chúng ưu tú đưa vào danh sách đối tượng cảm tình Đảng đều được các chi bộ, cấp ủy họp, thống nhất lựa chọn, đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, quy định của Điều lệ Đảng.
Kết nạp gần 23.500 đoàn viên ưu tú vào Đảng
Nhiệm kỳ 2018 - 2023, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đã xây dựng, triển khai Chương trình 03/CTr-LĐLĐ ngày 18-9-2018 về phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, góp phần xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”… Kết quả, trong giai đoạn 2018 - 2023, các cấp Công đoàn đã giới thiệu 39.716 đoàn viên ưu tú để cấp có thẩm quyền xem xét, kết nạp gần 23.500 đoàn viên ưu tú vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong đó, có 2.869 đoàn viên công đoàn, người lao động trong các doanh nghiệp ngoài Nhà nước được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, chiếm 12%.
Dù vậy, với đặc thù của một bệnh viện tuyến đầu, có đội ngũ cán bộ trình độ cao, trong đó nhiều y, bác sĩ từng được đào tạo ở nước ngoài hoặc có kế hoạch sẽ đi đào tạo nâng cao trình độ ở nước ngoài, công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ bệnh viện cũng gặp một số khó khăn.
Cụ thể, với một số quần chúng ưu tú có yếu tố nước ngoài, khi thực hiện theo Quy định số 58-QĐ/TW ngày 8-2-2022 của Bộ Chính trị, việc thẩm tra xác minh còn chậm trễ...
“Kết quả quan trọng nhất là đội ngũ đảng viên mới kết nạp luôn thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, ý thức trách nhiệm trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ, hàng năm đều được đánh giá, xếp loại đảng viên “hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên, không có trường hợp kết nạp người vào Đảng vi phạm quy định về bảo vệ chính trị nội bộ” - ThS. Bùi Thị Diệp, Phó Bí thư Đảng ủy - Phó Giám đốc Bệnh viện E nói.
Đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy bệnh viện cũng nhấn mạnh, công tác phát triển đảng không thể chỉ đơn thuần chạy theo số lượng hay chỉ tiêu hàng năm mà điều quan trọng là phải được gắn liền với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nâng cao chất lượng đảng viên mới kết nạp để lan tỏa, thúc đẩy đơn vị phát triển.
Đảng bộ bệnh viện luôn xác định, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức đúng về công tác phát triển đảng viên, nâng cao chất lượng đảng viên mới kết nạp là vấn đề có tính nguyên tắc trong công tác tổ chức xây dựng Đảng.
Cùng đó, phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát; kịp thời biểu dương, khen thưởng các tổ chức đảng có thành tích xuất sắc, phê bình và xử lý kỷ luật các đơn vị chưa thực hiện tốt hoặc có vi phạm.
Kết nạp Đảng gắn với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang là một trong những bệnh viện có sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của ngành Y tế Thủ đô. Ngoài sự đầu tư của thành phố thì vai trò quyết định đến từ chính nội lực của đơn vị, từ sự lãnh đạo toàn diện của Đảng bộ bệnh viện.
Là 1 trong 4 bệnh viện đa khoa hạng 1 của Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang hiện có tới 48 khoa, phòng, đơn nguyên, tổng cộng gần 1.000 cán bộ, công nhân viên chức, người lao động.
Với một tập thể lớn như vậy, bên cạnh nhiệm vụ chủ đạo là công tác chuyên môn khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân thì việc quản trị, vận hành bệnh viện cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp ở mức cao. Đặc biệt, với đặc thù là một đơn vị sự nghiệp công lập, công tác đảng trong bệnh viện có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Chia sẻ với chúng tôi, TS.BS Đỗ Minh Trí, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, Đảng bộ bệnh viện có 9 Chi bộ. Ở nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ bệnh viện đưa ra chỉ tiêu kết nạp từ 50 đến 60 đảng viên.
Từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, mỗi năm Đảng bộ bệnh viện kết nạp khoảng 16 đảng viên, đều hoàn thành chỉ tiêu đề ra. So với các bệnh viện nhỏ thì công tác phát triển, kết nạp Đảng viên mới của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có thuận lợi hơn do nguồn nhân lực đông, đội ngũ cán bộ trẻ nhiều và có trình độ tương đối cao, đa phần từ cao đẳng trở lên.
Khâu giới thiệu, bồi dưỡng, thẩm tra hồ sơ cán bộ có nguyện vọng vào Đảng đều thực hiện rất nghiêm túc, bài bản.
Tính đến tháng 10-2023, Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang có hơn 260 đảng viên. Cũng giống các đơn vị công lập khác, công tác phát triển Đảng viên của bệnh viện đều gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và quy hoạch cán bộ.
“Theo các hướng dẫn của Thành ủy Hà Nội, Quận ủy Long Biên và Đảng ủy Sở Y tế Hà Nội, trong công tác quy hoạch cán bộ nguồn, bao giờ chúng tôi cũng đưa các chỉ tiêu về Đảng viên để tạo điều kiện, cơ hội cho mọi cán bộ phấn đấu một cách công bằng.
Hiện nay, các đồng chí Bí thư Chi bộ của 9 Chi bộ trong bệnh viện hầu hết đều là các Trưởng khoa, Trưởng phòng” - TS.BS Đỗ Minh Trí, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.
Nhiều nỗi lo lắng mơ hồ, không có cơ sở
Bí thư Đảng đoàn Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh cho biết, hiện nay, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội đang quản lý, chỉ đạo trực tiếp hoạt động 45 Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Trong đó, có 12 Liên đoàn Lao động quận; 18 Liên đoàn Lao động huyện, thị xã; 8 Công đoàn ngành; 7 Công đoàn Tổng công ty và Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và 26 Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động thành phố với tổng số 9.208 công đoàn cơ sở và 664.031 đoàn viên. Đây là nguồn lực để phát triển đảng rất dồi dào nhưng việc tổ chức thực hiện lại không phải chuyện dễ dàng.
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác phát triển đảng trong công nhân lao động, Liên đoàn Lao động thành phố luôn chú trọng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong công nhân, viên chức lao động về công tác công đoàn, công tác xây dựng Đảng, phát triển đảng viên, xây dựng chính quyền, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Là một điểm sáng về phát triển Đảng và xây dựng chi bộ vững mạnh, Bí thư Chi bộ Công ty Điện tử ASTI Hà Nội (công ty 100% vốn của Nhật Bản), đồng chí Nguyễn Đức Nhân cho biết, với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo doanh nghiệp, công tác phát triển đảng viên tại đơn vị có nhiều tín hiệu khả quan.
Cuối năm 2014, khi mới thành lập, Chi bộ chỉ có 3 đảng viên, thì đến nay, Chi bộ đã nâng con số đảng viên lên 22 đồng chí. Để gắn hoạt động của Chi bộ với hoạt động của doanh nghiệp, Chi bộ cũng phối hợp với Đoàn Thanh niên, Công đoàn cơ sở công ty tổ chức nhiều nội dung thiết thực để chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân.
Bên cạnh những thuận lợi, Bí thư Chi bộ Công ty Điện tử ASTI Hà Nội cũng thẳng thắn thừa nhận, so với hàng nghìn người lao động đang làm việc tại đây, số lượng đảng viên trong Chi bộ còn khá khiêm tốn. Do môi trường làm việc đặc thù nên các đảng viên chưa có đủ thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ nghị quyết, chủ trương của Đảng.
Là đầu tàu kinh tế, số lượng doanh nghiệp đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng thuộc nhóm đầu của cả nước nhưng thực tế, số tổ chức, cơ sở đảng trong các doanh nghiệp còn hạn chế và phát triển đảng viên là công nhân tại các đơn vị này vẫn là câu chuyện khó.
Nói về những khó khăn, hạn chế trong công tác phát triển đảng viên là công nhân lao động, đại diện Liên đoàn Lao động TP Hà Nội cho hay, không ít công nhân không có nguyện vọng và không quan tâm đến việc trở thành đảng viên. Nguyên nhân nằm ở cả mặt khách quan và chủ quan.
Về phía chủ quan, đầu tiên là do gánh nặng cuộc sống, thu nhập, nhiều người lo việc vào Đảng có thể ảnh hưởng đến thời gian lao động của họ.
Về mặt khách quan, một số cấp ủy, tổ chức đảng địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Công tác xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, số doanh nghiệp có tổ chức Đảng, đảng viên thấp.
Bên cạnh đó, nội dung hoạt động của tổ chức Đảng tại doanh nghiệp cũng chậm đổi mới. Nội dung, chất lượng sinh hoạt Đảng còn hạn chế, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp.
Nhiều chủ doanh nghiệp chưa nhận thức rõ ý nghĩa của việc người lao động vào Đảng và tham gia sinh hoạt Đảng, thậm chí còn cho rằng sẽ mất thời gian và ảnh hưởng đến lao động sản xuất.
Thực tế này dẫn đến, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn bảo lưu quan điểm không ủng hộ việc thành lập, hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp nên tỷ lệ đảng viên là công nhân tại các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước mới chỉ chiếm 12%...
Có thể nói, đây đều là những mối lo lắng mơ hồ, không có cơ sở nhưng đã “ăn sâu” vào tiềm thức của nhiều chủ doanh nghiệp và một bộ phận công nhân, người lao động nên cơ bản họ không quan tâm, không mặn mà gì với công tác phát triển Đảng ở doanh nghiệp mình…
(Còn nữa)