Hà Nội: Thu thập hồ sơ để công nhận Cự Đà là 'Làng cổ'

HĐND thành phố Hà Nội ban hành danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa.

Hà Nội có 22 di tích quốc gia đặc biệt

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Sáng 29-4, tại kỳ họp thứ 22, HĐND thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết Ban hành Danh mục các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị để phục hồi, bảo vệ, phát huy giá trị trên địa bàn thành phố Hà Nội đợt 1 (thực hiện khoản 3, khoản 4 Điều 21 Luật Thủ đô).

Nghị quyết nêu rõ, danh mục Di sản văn hóa vật thể gồm: Danh mục di tích tiêu biểu do UBND thành phố Hà Nội quản lý, gồm 10 di tích; danh mục di tích được công nhận di tích quốc gia đặc biệt gồm 22 di tích; danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia gồm 1.164 di tích; danh mục các di tích đã được xếp hạng cấp thành phố, gồm 1.600 di tích; danh mục di tích cách mạng kháng chiến đã được xếp hạng gồm 46 di tích.

Danh mục địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến gồm 354 điểm. Danh mục bảo vật quốc gia đã được công nhận gồm 34 bảo vật; danh mục làng cổ, gồm 1 làng cổ.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tham gia kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội tham gia kỳ họp. Ảnh: Viết Thành

Về danh mục Di sản văn hóa phi vật thể, 6 di sản được Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh; 42 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Danh mục Làng nghề, làng nghề truyền thống và nghề truyền thống tiêu biểu Hà Nội, gồm 182 làng nghề, 54 làng nghề truyền thống, 7 nghề truyền thống.

Về danh mục các ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp I, gồm 21 tuyến phố. Các tuyến phố trong Khu phố cổ Hà Nội thuộc phạm vi bảo vệ, tôn tạo cấp II, gồm 40 tuyến phố. Các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đặc biệt gồm 16 đoạn tuyến phố. Các đoạn tuyến phố thuộc Khu phố cũ Hà Nội của tuyến phố có nhiều biệt thự có giá trị kiến trúc đáng chú ý, gồm 11 đoạn tuyến phố.

Về danh mục các công trình khác có giá trị kiến trúc, danh mục công trình kiến trúc nhà truyền thống, nhà cổ, nhà phố trong Khu phố cổ Hà Nội gồm 209 công trình có giá trị đặc biệt và 318 công trình có giá trị đáng chú ý. Danh mục biệt thự cũ được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 222 biệt thự xếp nhóm 1 và 356 biệt thự xếp nhóm 2. Danh mục công trình kiến trúc công cộng được xây dựng từ trước năm 1954, gồm 40 công trình có giá trị đặc biệt và 33 công trình có giá trị đáng chú ý.

Đang thu thập hồ sơ để Cự Đà được công nhận "làng cổ"

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh trình bày tờ trình. Ảnh: Viết Thành

Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh trình bày tờ trình. Ảnh: Viết Thành

Trình bày tờ trình về nội dung này, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, việc xây dựng một danh mục tổng hợp, hệ thống, khoa học về các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa; danh mục ô phố, tuyến phố đặc trưng, có giá trị văn hóa, lịch sử, danh mục công trình kiến trúc có giá trị cần bảo vệ, phục hồi, phát huy giá trị trên địa bàn Hà Nội trở thành yêu cầu cấp thiết.

Việc xây dựng, ban hành Nghị quyết nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Thủ đô năm 2024. Đây không chỉ là một trong các biện pháp bảo tồn các di sản có giá trị của thành phố mà còn là nền tảng để phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc, thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân cho biết, Ban Đô thị đề nghị rà soát lại danh mục di sản văn hóa phi vật thể (10 danh mục di tích tiêu biểu do UBND thành phố Hà Nội quản lý) tại biểu 1-a và các biểu 1-b và 1-c, tránh trùng lặp.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Viết Thành

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Đàm Văn Huân trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Viết Thành

Tại Phụ lục 1-h Di sản văn hóa phi vật thể, UBND thành phố đề xuất danh mục Làng cổ gồm 2 làng là Đường Lâm và Cự Đà. Trong hai làng, Làng cổ Đường Lâm đã được thành phố xác định nằm trong Danh mục Làng cổ Hà Nội tại Nghị quyết số 24/2013/NQ-HĐND ngày 4-12-2013 của HĐND thành phố.

Làng Cự Đà là một làng có truyền thống lâu đời, nhưng đang thu thập hồ sơ để được công nhận là Làng cổ (theo báo cáo của sở Văn hóa và Thể thao). Trên địa bàn thành phố hiện nay còn rất nhiều làng truyền thống khác với những nét văn hóa độc đáo. Do đó, đề nghị UBND thành phố làm rõ căn cứ, cơ sở đề xuất Làng cổ Cự Đà vào danh mục làng cổ của Hà Nội.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết sau khi đã được phê duyệt cần lưu ý bổ sung các nguồn lực dự kiến thi hành Nghị quyết như việc bảo vệ, phục hồi và phát huy giá trị di sản (ngân sách nhà nước, nguồn xã hội hóa, hợp tác quốc tế...). Đồng thời, cần có kế hoạch cụ thể về việc huy động, ưu tiên bảo tồn, hoặc cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ di sản.

Bổ sung lộ trình triển khai cụ thể cho việc bảo tồn, phục hồi, hoặc phát huy giá trị di sản, đặc biệt với số lượng lớn di tích và công trình; ứng dụng công nghệ để quản lý và giám sát tình trạng di tích, công trình; có cơ chế giám sát và đánh giá việc thực hiện Nghị quyết...

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-thu-thap-ho-so-de-cong-nhan-cu-da-la-lang-co-700747.html