Hà Nội thúc đẩy phát triển doanh nghiệp
Thực tế quá trình hình thành, phát triển của nền kinh tế Thủ đô luôn gắn liền, chịu tác động mang tính quyết định từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Nói cách khác, hơn 300.000 doanh nghiệp trên địa bàn cần được quan tâm, hỗ trợ ngày càng hiệu quả và thiết thực, để nhân lên những thành quả đã đạt được, gia tăng quy mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô theo hướng hiện đại, bền vững.
Chưa phục hồi như mong muốn
Theo Cục Thống kê Hà Nội, 10 tháng năm 2024, thành phố Hà Nội đã cấp giấy chứng nhận cho 24.900 doanh nghiệp thành lập mới, với vốn đăng ký 228.300 tỷ đồng. Kết quả này giảm 5,7% về số doanh nghiệp và giảm 11,8% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, trên địa bàn thành phố có 8.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 15,1% và 21.800 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 20,1% so với cùng kỳ năm 2023. Thực tế trên cho thấy, tình hình khởi nghiệp trên địa bàn chưa thật sự ổn định và bức tranh doanh nghiệp nói chung chưa có mức độ phục hồi như mong muốn.
Đến nay, Hà Nội vẫn kiên trì thực hiện cải cách, tập trung vào thủ tục hành chính, để mỗi cơ quan chức năng thật sự là bạn đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả phục vụ, thúc đẩy doanh nghiệp ra đời, phát triển bền vững.
Đơn cử như tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng của Hà Nội luôn được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn. Thành phố Hà Nội là địa phương đi đầu cả nước trong việc tiếp nhận, hoàn tất hồ sơ “khai sinh” của doanh nghiệp và nhận được sự đồng thuận, đánh giá rất cao. Tính trung bình, thời gian giải quyết hồ sơ từ đăng ký đến khi trả kết quả cho mỗi doanh nghiệp thành lập mới chỉ mất 3 ngày làm việc.
Theo bà Trịnh Thị Ngân, cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, những năm qua, cộng đồng doanh nghiệp đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ chính quyền thành phố. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp cũng đối diện không ít thách thức bất lợi do cả nguyên nhân chủ quan, khách quan. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực, kịp thời để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc với tinh thần đồng cảm, thật sự vì doanh nghiệp.
"Cải cách hành chính, giãn, hoãn, giảm các loại thuế, phí; tạo cơ chế bình đẳng, trao cơ hội cho doanh nghiệp... vẫn là những điều kiện quan trọng nhất mà cộng đồng doanh nghiệp mong mỏi, vận dụng để tồn tại, phát triển. Có như vậy mới có thể tham gia sâu, bền vững hơn trong chuỗi cung ứng trên bình diện cả nước cũng như toàn cầu...", bà Trịnh Thị Ngân nêu
Quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp
Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Trung Hiếu, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, yêu cầu giải quyết nhanh, chính xác, nhưng cán bộ của Sở luôn cố gắng hoàn thành công việc với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực cao nhất. Điều đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chuyển biến về chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh, phục vụ doanh nghiệp, người một cách thiết thực, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp trên địa bàn.
"Thành phố quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, tạo điểm tựa cho các đơn vị trong hoạch định chiến lược phát triển lâu dài cũng như gia tăng khả năng kết nối, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh cả trên thị trường trong nước lẫn quốc tế", đại diện lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.
Thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục nỗ lực cải thiện các chỉ số cạnh tranh, cải cách hành chính, trên tinh thần cắt giảm thời gian giải quyết, phản hồi tính hợp lệ của hồ sơ đến doanh nghiệp một cách nhanh nhất. Đặc biệt, tập trung vào việc ưu tiên rút ngắn thời gian giải quyết đối với các loại thủ tục đơn giản.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế quốc dân) Nguyễn Ngọc Sơn, Hà Nội cần nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xu hướng chuyển đổi số, sản xuất xanh và kinh tế tuần hoàn, vấn đề đặt ra là chuyển đổi mô hình tăng trưởng mới, được hậu thuẫn bởi kỹ năng, công nghệ, có sự đột phá về năng suất và các yếu tố bền vững.
Chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng hiệu quả sử dụng các nguồn lực, thân thiện với môi trường và chuyển sang giai đoạn mới của quá trình phát triển, tức là nền kinh tế dựa vào đổi mới, sáng tạo và kinh tế số.
Những đánh giá, gợi ý của giới chuyên gia được trao đổi, tiếp thu một cách có chọn lọc với tinh thần cầu thị. Thực tế cho thấy, những quyết sách tỉnh táo, mang tính khoa học và phù hợp xu hướng thời đại chắc chắn sẽ như “làn gió mới” tác động mạnh mẽ đến mục tiêu cải thiện và nâng cao cả về số lượng và chất lượng của doanh nghiệp Hà Nội.
Các chuyên gia cũng nhận định, Quy hoạch Thủ đô có tầm nhìn chiến lược; tư duy đột phá đang tạo ra cơ hội mới, giá trị mới cho phát triển. Đặc biệt Luật Thủ đô đã phân quyền và trao quyền rất mạnh cho thành phố trên nhiều lĩnh vực, hỗ trợ đổi mới mô hình quản trị, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền Thủ đô sẽ là động lực, yếu tố thuận lợi mới, để hun đúc, hỗ trợ phong trào thành lập doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ha-noi-thuc-day-phat-trien-doanh-nghiep-683651.html