Hà Nội: Thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành Thông báo số 520/TB-VP, truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu, tại cuộc họp bàn về biện pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn thành phố.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Theo thông báo kết luận, lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã, nơi có bệnh DTLCP chưa qua 21 ngày, thực hiện kiểm tra thực tế tại địa bàn tối thiểu 2 lần/tuần, chỉ đạo lãnh đạo các UBND xã kiểm tra trên địa bàn quản lý tối thiểu 1 lần/tuần để đôn đốc, chỉ đạo tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp vệ sinh, sát trùng, bằng hóa chất, vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh tại ổ dịch, nơi xử lý chôn lợn, địa bàn nguy cơ cao, dụng cụ, phương tiện vận chuyển lợn bệnh và người tham gia xử lý ổ dịch.

Lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã, chưa xảy ra bệnh DTLCP, thực hiện kiểm tra thực tế tại địa bàn tối thiểu 1 lần/tháng, chỉ đạo lãnh đạo UBND các xã kiểm tra trên địa bàn quản lý tối thiểu 1 tuần/lần. Bên cạnh đó, tăng cường công tác chỉ đạo, nắm chắc tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn, báo cáo đầy đủ, đúng thực tế tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn; tăng cường công tác thông tin, truyền thông theo đúng quy định về tình về tình hình bệnh DTLCP trên địa bàn quản lý.

Thực hiện hỗ trợ thiệt hại kịp thời cho người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy do bệnh DTLCP theo đúng quy định của pháp luật và thành phố. Đối với các địa phương hết nguồn kinh phí, có văn bản báo cáo UBND thành phố gửi các sở Tài chính, NN&PTNT rà soát, tham mưu; Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 20-5-2019, của Ban Bí thư và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố. Thực hiện nghiêm Kế hoạch số 180/KH-UBND ngày 10-9-2020 của UBND thành phố về phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn thành phố giai đoạn 2020-2025.

Tăng cường công tác chủ động giám sát dịch bệnh, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn có tổng đàn lợn lớn, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm ngay khi dịch bệnh được phát hiện; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp giấu dịch, không chủ động khai báo; Tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, không để động vật, sản phẩm động vật mang mầm bệnh vào địa phương làm lây lan dịch bệnh. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực chăn nuôi, giết mổ và phòng, chống dịch bệnh, kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện tiếp nhận khai báo chăn nuôi, cập nhật kê khai hoạt động chăn nuôi của các tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi theo đúng quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ NN&PTNT về việc hướng dẫn một số điều của Luật Chăn nuôi về chăn nuôi.

Chỉ đạo, tổ chức và tuyên truyền trên hệ thống phát thanh của địa phương, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cơ sở chăn nuôi và môi trường xung quanh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định và hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; tuyệt đối không bán chạy lợn bệnh, không vứt xác lợn chết ra ngoài môi trường; tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn lợn, đặc biệt là vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Chỉ đạo các phường, thị trấn thuộc vùng không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố thực hiện nghiêm Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND, ngày 7-7-2020, của HĐND thành phố về ban hành quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Liên quan đến nhiệm vụ trên, Sở NN&PTNT duy trì hoạt động 24/24 giờ các chốt kiểm dịch động vật tại các đầu mối giao thông ra vào thành phố. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát giết mổ, vận chuyển, buôn bán lợn, sản phẩm trên địa bàn thành phố; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Thành lập các đoàn công tác do lãnh đạo Sở làm trưởng đoàn đến các địa phương có bệnh DTLCP (chưa qua 21 ngày) để kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp với chính quyền cơ sở tổ chức các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng.

Sở NN&PTNT hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch theo quy định của Luật Thú y, các văn bản có liên quan của Trung ương và thành phố. Chỉ đạo các phòng chuyên môn, Trạm Chăn nuôi và Thú y các quận, huyện, thị xã phân công cán bộ, nhân viên thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại cơ sở, bảo đảm phát hiện và báo cáo kịp thời. Phối hợp cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan của UBND cấp huyện kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Chuẩn bị đầy đủ, vật tư, hóa chất sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch và bô sung kịp thời cho các huyện theo quy định. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại, tính chất lây lan và các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên các phương tiện thông tin đại chúng…

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu, báo cáo UBND thành phố bổ sung kinh phí theo đề nghị của các địa phương để thực hiện công tác phòng, chống, xử lý bệnh DTLCP bảo đảm kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Khẩn trương rà soát đề nghị của UBND các huyện về đề xuất bổ sung kinh phí đã hết nguồn để phục vụ phòng, chống bệnh DTLCP. Chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT rà soát, hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ người dân khi có lợn phải tiêu hủy do bệnh dịch theo đúng quy định của pháp luật...

Ban Chỉ đạo 389 thành phố, Sở Công Thương, Công an thành phố, Cục Quản lý thị trường thành phố, Cục Hải quan thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện, kiểm soát và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn bị bệnh trên địa bàn thành phố; ngăn ngừa nhập lậu lợn, sản phẩm từ lợn, không để hiện tượng buôn bán động vật và sản phẩm của chúng không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm.

TQ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-thuc-hien-dong-bo-cac-bien-phap-phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-216306.html