Hà Nội: Tích hợp các giải pháp 'số' để tránh lãng phí trong cải cách hành chính
Ngày 13/11, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 Thành phố đã tổ chức Hội nghị giao ban tháng 11/2024.
Mục tiêu cao nhất là phục vụ người dân - doanh nghiệp
Các báo cáo tại Hội nghị cho thấy, về công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Thành phố đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với 1.191 thủ tục hành chính (TTHC) trong tổng số 1.885 TTHC thực hiện trên địa bàn. Việc đẩy mạnh tái cấu trúc TTHC nhằm đơn giản hóa quy trình, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo phương châm "Một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần", tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, Thành phố đã triển khai thí điểm thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội. Đây là đơn vị hành chính mới cấp sở theo chỉ đạo của Trung ương, một đơn vị chưa từng có tiền lệ, một kết quả nghiên cứu kỹ của Ban Chỉ đạo Trung ương để đưa ra mô hình này trên cơ sở đúc rút các mô hình đã triển khai từ trước đến nay về hành chính.
Bên cạnh đó, việc thực hiện việc mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội và thực hiện chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt đạt kết quả cao. Tháng 10/2024, đã hoàn thành chi trả trợ cấp an sinh xã hội kỳ tháng 10 cho 291.638 người hưởng chính sách an sinh xã hội với kinh phí chi trả tháng 10 là 343,25 tỷ đồng. Trong đó, số người được chi trả qua tài khoản trên tổng số đối tượng hưởng trợ cấp an sinh xã hội là 273.516/291.638 người, đạt 93,79%.
Tổng số người tham gia và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH thành phố Hà Nội đang quản lý là hơn 7,99 triệu người. Số người tham gia đã được cập nhật thông tin vào CSDL ngành BHXH và xác thực đúng với CSDLQG về dân cư là 7,7 triệu người, đạt 96,6% tổng số người tham gia BHXH, BHYT và hưởng các chế độ hàng tháng do BHXH Thành phố quản lý.
Về triển khai thu phí không sử dụng tiền mặt tại các bến xe tĩnh, đến tháng 10/2024, Thành phố đã bố trí 172 bãi/điểm đỗ xe đang triển khai giải pháp thí điểm thanh toán dịch vụ trông giữ xe không dùng tiền mặt tại 09/30 quận, huyện, thị xã; đã có 674.543 lượt giao dịch với tổng số tiền là 6,8 tỷ đồng.
9 triệu lượt người dân đã sử dụng iHanoi
Về phát triển công dân số, Hà Nội đã thu nhận 6.399.576 tài khoản định danh điện tử mức 1 và mức 2 (đạt 106,9%); kích hoạt 5.612.424 tài khoản định danh mức 1 và mức 2 (đạt 93,7%).
Qua gần 4 tháng triển khai ứng dụng "Công dân Thủ đô số" - iHaNoi, ứng dụng thể hiện tâm huyết và quyết tâm rất cao của Chính quyền Thành phố trong mục tiêu "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ", đồng thời khai thác hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ nhằm phục vụ nhóm tiện ích cho Công dân số.
Tính đến ngày 23/10/2024, tổng số người dùng đăng ký tài khoản ứng dụng iHanoi đạt 1.012.206 tài khoản (đạt 19% trên 5,3 triệu người từ 15 tuổi trở lên, có thiết bị thông minh); khoảng 9 triệu lượt người dân đã truy cập khai thác, sử dụng ứng dụng iHanoi.
Hệ thống đã tiếp nhận 1.512 phản ánh kiến nghị thủ tục hành chính (PAKN TTHC), trong đó: Đã xử lý 211 PAKN, chiếm 14%; Chuyển xử lý 319 PAKN, chiếm 21%; Chờ tiếp nhận 26 PAKN, chiếm 2%; Đã từ chối 889 PAKN, chiếm 59%. Số góp ý, sáng kiến của người dân: 1.024. Số nội dung truyền thông, cảnh báo trên ứng dụng iHanoi: 1.797.
Về việc triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP) trên VNeID, từ ngày 22/4 đến ngày 17/10/2024, Sở Tư pháp Thành phố đã tiếp nhận 93.546 hồ sơ đề nghị cấp Phiếu LLTP. Trong đó, qua hệ thống DVC là 24.624 hồ sơ, qua ứng dụng VNeID: 68.922 hồ sơ. Tỷ lệ đăng ký cấp Phiếu LLTP qua VNeID chiếm tỷ lệ 83,2%/tổng số hồ sơ tiếp nhận trong ngày. Kinh phí hỗ trợ người dân thực hiện đăng ký cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID kể từ ngày 01/6/2024 đến nay ước tính gần 9,7 tỷ đồng...
Đến cuối tháng 10/2024, 100% cơ sở khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe trực thuộc Sở Y tế đã hoàn thành đăng ký tài khoản liên thông trên Cổng giám định BHYT tại địa chỉ https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn; liên thông và ký số thành công 286.894 hồ sơ lên Cổng giám định BHYT. Đến nay, đã có 66 cơ sở khám, chữa bệnh phát sinh dữ liệu và liên thông dữ liệu lên Cổng giám định BHYT, với tổng số 143.880 hồ sơ, trong đó liên thông tự động qua API là 94.669 giấy, nhập thủ công là 49.211 hồ sơ.
Hiện, Thành phố đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp, biện pháp, xây dựng 28 mô hình điểm về chuyển đổi số để triển khai thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án 06/CP và Chỉ thị số 04/CT-TTg trên địa bàn thành phố Hà Nội trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Kết quả phải thực chất, hiệu quả
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị các đơn vị rà soát lại nội dung trong Kế hoạch 57 và Kế hoạch 239 của Thành phố; từ đó có kế hoạch triển khai các nhiệm vụ năm 2025. Trong đó, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 sẽ đi đầu trong việc ban hành kế hoạch của năm sau từ cuối năm nay.
Về dự toán năm 2025, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải đề nghị trên cơ sở nội dung của kế hoạch năm 2025 thì sớm có dự toán, nhưng cần đặc biệt chú ý tránh lãng phí. "Cần giải pháp thông minh và cách làm mới với phương châm tích hợp các giải pháp "xanh", giải pháp "số" để tránh lãng phí, có như vậy chất lượng cuộc sống của người dân mới được nâng lên", Phó Chủ tịch UBND Thành phố nói.
Chỉ ra nhiều chỉ tiêu có nguy cơ chậm muộn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các đơn vị phải khẩn trương phân tích nguyên nhân vì sao chưa làm được, bóc tách các yêu cầu nhiệm vụ để đôn đốc sớm hoàn thành.
Việc phân công phối hợp giữa các đơn vị phải rõ, không trùng lắp các nhiệm vụ. Phó Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh: Dữ liệu là linh hồn, cốt lõi để chuyển đổi số. Vì vậy dữ liệu lớn cần phải được kết hợp, chia sẻ; không được tập quyền, cát cứ dữ liệu…
Chia sẻ, phân tích thêm về nhận thức, quyết tâm, tư duy hành động trong triển khai các nhiệm vụ, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu tổ chức cán bộ phải đi tìm đúng người, đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng bằng chính sự hài lòng của người dân; kết quả phải thực chất, hiệu quả; phải quyết tâm, không bằng lòng với kết quả đã đạt được vì không cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng "đi trước, về sau"; kết quả cuối cùng phải thông minh, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.
"Hà Nội có mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, chủ thể để xây dựng chủ trương chính sách, sự hài lòng của người dân là sản phẩm cuối cùng của cải cách hành chính. Thực hiện các nhiệm vụ với 3 nguyên tắc: thượng tôn pháp luật, luôn luôn lắng nghe, thái độ phục vụ; cùng 6 phấn đấu: nhận thức đầy đủ, tầm nhìn dài hạn, tư duy sáng tạo, giải pháp thông minh, hành động quyết liệt, sản phẩm cụ thể", Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.