Hà Nội tiếp tục đưa giáo viên đạt từ 6.5 IELTS đi học ở nước ngoài

Để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, giáo viên đạt từ 6.5 IELTS trở lên được xét đi nước ngoài trong 2 tuần.

UBND TP. Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Chương trình "Bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho giáo viên đạt điểm IELTS từ cao xuống thấp" năm 2023.

Chương trình "Bồi dưỡng nâng cao phương pháp dạy học, công nghệ thông tin ở nước ngoài cho giáo viên đạt điểm IELTS từ cao xuống thấp" nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh…

Đối tượng tham gia chương trình là viên chức giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đạt IELTS từ 6,5 trở lên. Tổng thời gian thực hiện chương trình là 14 ngày, trong đó có 12 ngày ở nước ngoài.

Nội dung chương trình tập trung bồi dưỡng, nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy 4 kỹ năng gồm đọc, viết, nghe, nói.

Hà Nội tiếp tục cử giáo viên đi nước ngoài bồi dưỡng tiếng Anh. Ảnh minh họa.

Hà Nội tiếp tục cử giáo viên đi nước ngoài bồi dưỡng tiếng Anh. Ảnh minh họa.

UBND TP. Hà Nội giao Sở GD&ĐT quản lý và thực hiện chương trình theo quy định, chịu trách nhiệm báo cáo UBND thành phố và cơ quan có thẩm quyền khi tổ chức các lớp bồi dưỡng tại nước ngoài theo quy định.

Năm 2022, thành phố Hà Nội cũng đã triển khai chương trình này. Theo đó, đã có 199 giáo viên (gồm 15 giáo viên tiểu học, 132 giáo viên trung học cơ sở và 52 giáo viên trung học phổ thông) đã tham gia chương trình bồi dưỡng ngắn hạn tại Australia.

Để trở thành thành viên tham gia lớp khoa học, ngoài những tiêu chuẩn theo quy định, các giáo viên phải trải qua kỳ tuyển chọn rất nghiêm túc.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã thành lập hội đồng tuyển chọn với sự tham gia thẩm định, giám sát của nhiều cơ quan, đơn vị để đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan, tuyển chọn đúng đối tượng, đáp ứng trình độ và mục đích của lớp học.

Kết thúc khóa học, 100% học viên được nhận Chứng chỉ tốt nghiệp khóa học được ký bởi lãnh đạo trường Đại học Western Sydney University. Các học viên thấy rõ hiệu quả khóa học đem lại như: Được tiếp cận các phương pháp dạy học hiện đại, biết cách ứng dụng CNTT hiệu quả trong dạy học; từng bước cải thiện các kỹ năng dạy học gắn liền với thực tiễn; thực hành nghiên cứu, chia sẻ các kinh nghiệm giảng dạy thực tế, thuyết trình, thảo luận và dự giờ thăm lớp; được hội nhập môi trường học tập quốc tế; được dạy bởi các giảng viên bản ngữ có trình độ cao; được sử dụng các phương tiện và phần mềm dạy học hiện đại, tiên tiến nhất thế giới...

Sau khi hoàn thành khóa học, các thầy cô đã tiếp tục nghiên cứu, tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng đã học và chia sẻ kinh nghiệm, công nghệ và phương pháp tiên tiến cho bạn bè, đồng nghiệp.

Ngoài Hà Nội, Vĩnh Phúc cũng dự kiến đưa 39 giáo viên tiếng Anh, đạt 7.0 IELTS trở lên, đi bồi dưỡng tại Australia vào cuối năm nay. Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết đây là lần đầu giáo viên của tỉnh được đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài.

Một địa phương khác cũng bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh theo chuẩn quốc tế là Nghệ An. Năm 2021, Sở GD&ĐT Nghệ An này yêu cầu tất cả giáo viên tiếng Anh tham gia khảo sát TOEIC (bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế), trừ người có chứng chỉ quốc tế tương đương. Từ kết quả này, Sở GD&ĐT Nghệ An sẽ tổ chức bồi dưỡng và thi để giáo viên lấy chứng chỉ quốc tế.

ĐV

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-tiep-tuc-dua-giao-vien-dat-tu-65-ielts-di-boi-duong-o-nuoc-ngoai-169230928155135467.htm