Hà Nội tiếp tục khẳng định thương hiệu là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn
Hà Nội tiếp tục khẳng định là điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, các chỉ số ngành du lịch Thủ đô đều tăng từ đầu năm 2024. Đây là hiệu quả từ các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự nỗ lực quảng bá, xúc tiến thời gian qua…
Khách du lịch quốc tế tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023
Cụ thể, trong tháng 3/2024 ngành du lịch Hà Nội đón 2,26 triệu lượt khách, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 468.000 lượt khách, tăng 12,6%. Riêng khách du lịch nội địa đạt 1,798 triệu lượt khách, tăng 5,8%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 8.740 tỷ đồng, tăng 9%.
Lượng du khách tăng cao kéo theo trong 3 tháng đầu năm 2024, du lịch Hà Nội đón 6,54 triệu lượt khách, tăng 10,9%. Trong đó khách du lịch quốc tế ước đạt 1,4 triệu lượt khách, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2023, du khách nội địa đạt 5,14 triệu lượt khách, tăng 5%. Tổng thu từ khách du lịch đạt 25.487 tỷ đồng, tăng 17,8%.
Tính đến hết quý 1/2024, về số lượng cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội có 3.759 cơ sở lưu trú với 71.050 phòng; trong đó có 606 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1 đến 5 sao với tổng số 26.445 phòng, số khách sạn, căn hộ xếp hạng chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng. Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, trên địa bàn Hà Nội có 32 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí tại Hà Nội đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến tham quan và mua sắm.
Chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, năm 2024, du lịch Thủ đô chú trọng phát huy các giá trị văn hóa, di sản gắn với du lịch, xây dựng hình ảnh Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", “Thành phố vì hòa bình”; “Thành phố sáng tạo”. Hà Nội sẽ hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn dựa trên các lợi thế sẵn có, đồng thời, nghiên cứu đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm mới gắn với lợi thế của từng địa phương như khai thác các tuyến du lịch đường thủy nội địa dọc sông Hồng, hồ Tây, hồ Đồng Mô; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch thể thao…
Sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đang lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội. Đề xuất 2 sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).
Hà Nội cũng đã chú trọng tổ chức các sự kiện, chương trình, lễ hội nhằm quảng bá du lịch Thủ đô. Có thể kể đến như Lễ hội du lịch Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 25/4 đến hết ngày 28/4; Lễ công bố sản phẩm “Du lịch cộng đồng bản Miền” của xã Ba Vì, huyện Ba Vì diễn ra vào ngày 26/4 nhằm hưởng ứng Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
Đầu năm 2024, chương trình “Happy Tết 2024” được tổ chức bởi Trung tâm di sản Diều Việt Nam, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội, Câu lạc bộ áo dài Việt Nam, Hội Đầu bếp Hoàng gia, Hội Đầu bếp Việt Nam cũng đã góp phần làm nên thành công cho ngành du lịch Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2024. Qua đó hướng đến hoàn thành mục tiêu đón 27 triệu lượt khách du lịch đến Hà Nội năm 2024, trong đó có 5,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt 109,41 nghìn tỷ đồng.
Thời gian tới, ngành du lịch Thủ đô triển khai xây dựng dự thảo Kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức; đồng thời, tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch số 73/KH-UBND, ưu tiên phát triển 2 đến 3 mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Ba Vì, Thường Tín, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây… theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.