Hà Nội: Tiếp tục phát sinh vi phạm hồ chứa mới tại Sóc Sơn
Dù doanh nghiệp thủy lợi và chính quyền địa phương đã vào cuộc, tuy nhiên việc xử lý các vi phạm hồ chứa trên địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, nhiều vụ vi phạm mới tiếp tục phát sinh.
Tồn tại 60 vụ vi phạm
Mới đây, Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) đã lập biên bản vi phạm hành lang an toàn hồ Đồng Đò đối với ông Nguyễn Việt Anh. Người đàn ông này đã ngang nhiên dựng khung sắt dài 23,5m, cao 2m; đắp bao tải dài 15m, cao 1,5m; đặt 3 sàn sắt với kích thước hàng chục mét vuông mỗi sàn, đồng thời đổ cát lấn chiếm phạm vi lòng hồ Đồng Đò.
Vi phạm của ông Nguyễn Việt Anh là trường hợp mới nhất được Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn phát hiện, lập biên bản. Công trình đang bị tạm đình chỉ thi công để tiếp tục thực hiện các bước khắc phục theo quy định.
Theo Giám đốc Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn Nguyễn Xung Hiến, đơn vị đang quản lý 8 hồ chứa thủy lợi do UBND TP Hà Nội giao. Thống kê cho thấy, 5/8 hồ chứa hiện nay ghi nhận các vi phạm về khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi.
Hồ Đồng Đò tại xã Minh Trí là nơi tồn tại nhiều vi phạm công trình thủy lợi nhất với 42 vụ; tiếp đến là hồ Kèo Cà 3 vụ; hồ Ban Tiện 2 vụ; hồ Đồng Quan 2 vụ và 1 vụ ghi nhận tại hồ Cầu Bãi. Tổng số vụ vi phạm hồ chứa hiện tồn đọng trên địa bàn huyện Sóc Sơn là 60 vụ.
“Thời gian gần đây, tình hình vi phạm hành lang bảo vệ công trình thủy lợi nói chung, đặc biệt là các hồ chứa trên địa bàn huyện Sóc Sơn diễn ra rất phức tạp, cả về tính chất lẫn quy mô…” - ông Nguyễn Xung Hiến đánh giá.
Vi phạm vô chủ ngày một nhiều?
Trước tình hình vi phạm lòng hồ thủy lợi, thời gian qua, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội đã phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn triển khai quyết liệt nhiều giải pháp. Tuy nhiên, thực tế công tác xử lý vi phạm hồ chứa đang nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
“Hiện nay, Sở đang lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan để sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn số 144/HD-SNN theo hướng phân định rõ hơn trách nhiệm phối hợp trong xử lý vi phạm công trình thủy lợi; đồng thời bảo đảm phù hợp với Nghị định số 03/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng chống thiên tai, thủy lợi, đê điều…”
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ
Đáng chú ý khi tình trạng vi phạm vô chủ xuất hiện ngày một nhiều hơn. Báo cáo tổng hợp hàng tháng của Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội cho thấy, hầu như tháng nào cũng ghi nhận trường hợp công trình vô chủ thi công trái phép trong phạm vi bảo vệ an toàn hồ chứa.
Đơn cử như tại hồ Đồng Đò, mới đây Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn xác định một trường hợp dựng 5 trụ bê tông cao 0,5m và 10 cọc sắt cao 3,1m; đồng thời lắp sàn sắt rộng hàng chục mét vuông trong phạm vi chân đập. Tuy nhiên, không rõ vi phạm này là của đối tượng nào (?!)
Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Lưu Thành Quang cho rằng, việc xác định chủ thể có vi phạm hiện nay rất khó khăn do đất ven các hồ chứa mua bán nhiều lần, qua nhiều chủ. Đất quanh khu vực các hồ chứa, nhất là hồ Đồng Đò không có bản đồ giải thửa nên doanh nghiệp và chính quyền địa phương khó xác định chủ thể vi phạm.
Cùng theo ông Lưu Thành Quang, chính quyền một số địa phương hiện chưa phối hợp và quyết liệt trong ngăn chặn, xử lý vi phạm. Việc đa số các hồ chứa trên địa bàn huyện Sóc Sơn chưa được cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, cũng là một khó khăn cho Xí nghiệp thủy lợi huyện Sóc Sơn và chính quyền địa phương trong việc xác định, xử lý vi phạm.
Đặc biệt, trong một số vụ việc vi phạm, khi cán bộ, công nhân viên của Công ty đến làm việc để lập biên bản xử lý thì bị đối tượng vi phạm đe dọa, không hợp tác. Một số mốc và biển báo được lắp đặt để bảo vệ hệ thống công trình thủy lợi sau khi được xây dựng còn bị đập phá…
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Liên quan đến trách nhiệm xử lý vi phạm hồ chứa thủy lợi, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, địa phương đã thành lập tổ công tác để thực hiện xử lý, giải tỏa các công trình có vi phạm. Trong 2 tháng qua, ít nhất 18 trường hợp vi phạm đã bị xử lý, giải tỏa triệt để.
“Đối với vi phạm vô chủ, huyện chỉ đạo các phòng ban và chính quyền cơ sở thông báo rộng rãi trên phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi thiết lập, củng cố đầy đủ hồ sơ, chính quyền sẽ thực hiện xử lý giải tỏa theo đúng quy định của pháp luật…” - ông Đỗ Minh Tuấn thông tin thêm.
Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chống lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, thời gian qua, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội thường xuyên kiểm tra, phát hiện, lập biên bản, thiết lập hồ sơ vi phạm và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý theo đúng Hướng dẫn số 144/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội.
Dù vậy, để ngăn chặn kịp thời các vi phạm hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng, Công ty đề nghị UBND TP Hà Nội sớm cho triển khai cắm mốc chỉ giới bảo vệ các công trình. Đồng thời, chỉ đạo UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục quan tâm, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến hồ chứa thủy lợi.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-tiep-tuc-phat-sinh-vi-pham-ho-chua-moi-tai-soc-son.html