Hà Nội tiếp tục triển khai ôn tập trực tuyến lớp 11, 12: Thêm kênh củng cố kiến thức

Việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy là một đòi hỏi tất yếu nhưng với thực tế hiện nay, theo Sở GD&ĐT Hà Nội, kết hợp được cả đào tạo truyền thống và hiện đại sẽ là tối ưu.

Ông Kiều Văn Minh – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ông Kiều Văn Minh – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Để tìm hiểu rõ hơn về các giải pháp này, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã trao đổi với ông Kiều Văn Minh – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội.

Ngày 20/2/2020, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có Công văn số 514/SGDĐT - VP triển khai hệ thống ôn tập trực tuyến 7 môn văn hóa lớp 8, 9 THCS. Trong đó đề cập tới việc thực hiện đổi mới hình thức dạy học, xây dựng lớp học thông minh, từng bước tiến tới mô hình trường học điện tử trong kỷ nguyên số. Ngành giáo dục Thủ đô có sự chuẩn bị nào cho việc tiếp cận xu thế này?

- Thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo tinh thần Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, xây dựng lớp học thông minh, từng bước tiến tới mô hình trường học điện tử trong kỷ nguyên số hóa trong giáo dục, nhiều năm qua, ngành GD&ĐT TP đã tập trung các nguồn lực về cơ sở vật chất, phần mềm dạy học, xây dựng các mô hình trường học điện tử, ứng dụng các phần mềm tương tác phục vụ cho dạy và học. Đồng thời, thực hiện việc tuyển sinh trực tuyến, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử...

Sở GD&ĐT đã xây dựng ngân hàng câu hỏi ôn tập với nội dung phong phú cho 15 môn học và được sự hỗ trợ của Cục Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT đã xây dựng hệ thống học tập trực tuyến (Hanoi Study) cho học sinh Hà Nội, đặt tại địa chỉ http://study.hanoi.edu.vn. Từ ngày 1/2/2020 Sở GD&ĐT đã tổ chức thử nghiệm Hệ thống cho học sinh khối lớp 8, 9 của 5 quận, 15 trường THCS trên địa bàn TP.

Có ý kiến cho rằng, học trực tuyến không thể thay thế phương pháp học truyền thống. Sở GD&ĐT TP Hà Nội nhận định như thế nào về các ý kiến trên?

- Mỗi phương pháp học có những điểm mạnh, điểm yếu riêng. Phương pháp học truyền thống có những ưu điểm và nhược điểm riêng đã được thế giới ghi nhận, chỉ ra từ nhiều năm. Thời đại công nghệ 4.0, học trực tuyến chính là mô hình, phương pháp học hiện đại, chủ động. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện tại, kết hợp cả 2 hình thức này mới là tối ưu.

 Giáo viên trường THPT Ban Mai (quận Hà Đông - Hà Nội) dạy học trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Lan Chi

Giáo viên trường THPT Ban Mai (quận Hà Đông - Hà Nội) dạy học trực tuyến cho học sinh. Ảnh: Lan Chi

Ngoài khối lớp 8, 9, Sở GD&ĐT Hà Nội có dự kiến mở rộng thành phần tham gia các lớp học trực tuyến không, thưa ông?

- Việc đổi mới phương pháp dạy học gắn liền đổi mới kiểm tra, đánh giá. Với cấp THCS và THPT có 2 kỳ thi quan trọng, học sinh, phụ huynh có thêm kênh học tập, ôn tập, đảm bảo tốt về kiến thức, kỹ năng chuẩn bị cho kỳ thi, Sở đã biên soạn, thẩm định và đưa lên hệ thống học tập trực tuyến câu hỏi, đề ôn tập của 7 môn văn hóa lớp 8, 9 cấp THCS. Ngày 7/3/2020, Sở sẽ triển khai đưa lên hệ thống câu hỏi, ôn tập của 8 môn văn hóa lớp 11, 12 cấp THPT.

Thưa ông, sau khi thử nghiệm 15 đơn vị trường THCS dạy học trực tuyến, Sở đã quyết định triển khai tất cả các trường THCS. Ngành giáo dục Thủ đô đã đánh giá kết quả ở 15 đơn vị này chưa? Lý do nhân rộng mô hình này là gì?

- Việc thử nghiệm ở 15 trường/5 đơn vị (3 trường/đơn vị; đảm bảo nguyên tắc trường có điều kiện thuận lợi ở tốp cao, tốp giữa và khó khăn của đơn vị) đã được thực hiện quy trình, bài bản.

Cụ thể, đã tập huấn của Sở, của chuyên gia cho lãnh đạo, chuyên viên 5 Phòng GD&ĐT, Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng các nhà trường và vận hành chạy thử nghiệm. Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã và các trường THCS luôn cập nhật theo dõi thống kê và báo cáo chi tiết việc ôn luyện của học sinh theo kết quả từng lớp, từng học sinh tại trang http://cmsStudy.hanoi.edu.vn. Nhìn chung, các trường, các phòng GD&ĐT, đặc biệt là đông đảo giáo viên, học sinh đánh giá cao hiệu quả của hệ thống. Đến nay, việc vận hành hệ thống đã thực hiện tương đối tốt.

Theo ông, với khu vực nông thôn, còn nhiều gia đình, nhà trường điều kiện kỹ thuật, công nghệ, tài chính hạn chế. Sở GD&ĐT TP Hà Nội đã tính đến yếu tố này chưa? Trong tình huống nhiều gia đình học sinh chưa có mạng internet, máy tính, điện thoại thông minh và hạn chế khi tiếp cận công nghệ thì xử lý như nào?

- Hà Nội có địa bàn rộng, học sinh rất đông, điều kiện kinh tế - xã hội và dân trí ở các vùng miền không đồng đều. Việc đưa hệ thống câu hỏi trên hệ thống là một kênh hỗ trợ thêm cho các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh học sinh trong việc ôn tập, củng cố kiến thức.

Đồng thời giáo viên, học sinh có ý thức hơn trong việc khai thác và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học để làm giàu và củng cố vững chắc hơn tri thức của mình. Các nhà trường cũng đã bố trí thư viện, phòng máy tính để có thể giúp một số em học sinh có nhu cầu tham gia học tập trực tuyến tại trường.

Xin cảm ơn ông!

Tính đến ngày 4/3/2020, trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng chống dịch Covid-19, hệ thống ôn tập trực tuyến http://study.hanoi.edu.vn đã có 120.000 học sinh tham gia ôn tập trực tuyến (chiếm tỷ lệ 55% tổng số học sinh lớp 8 và lớp 9 trên toàn TP) với tổng số lượt ôn tập đạt 1,2 triệu lượt.

Bảo Thắng (thực hiện)

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/ha-noi-tiep-tuc-trien-khai-on-tap-truc-tuyen-lop-11-12-them-kenh-cung-co-kien-thuc-376809.html