Hà Nội tìm cách xóa bỏ 37 điểm ùn tắc giao thông

Hà Nội đặt ra sáu giải pháp cơ bản lâu dài để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông.

Theo báo cáo của Sở GTVT Hà Nội, trong năm 2022, Hà Nội xóa bỏ được 8/35 điểm ùn tắc giao thông tại khu vực nội đô nhưng dự báo phát sinh 10 điểm ùn tắc mới.

Phát sinh 10 điểm ùn tắc mới

Cụ thể, tám điểm thường xuyên ùn tắc ở nội thành đã được xử lý gồm ngã tư Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ; nút giao Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Chánh; ngã ba Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh; hầm chui Lê Văn Lương - Khuất Duy Tiến; cầu Thường Tín trên Quốc lộ 1; Bạch Mai - Trương Định; Phạm Ngọc Thạch - Lương Đình Của; cầu Lạc Trung - Kim Ngưu - Thanh Nhàn.

 Việc lập rào chắn để thi công các dự án về hạ tầng kỹ thuật làm phát sinh các điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại khu vực nội thành Hà Nội. Ảnh: TP

Việc lập rào chắn để thi công các dự án về hạ tầng kỹ thuật làm phát sinh các điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại khu vực nội thành Hà Nội. Ảnh: TP

Tuy nhiên, do mật độ phương tiện gia tăng nhanh, cùng với việc nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thực hiện rào chắn một số đoạn đường để thi công, dự báo nội thành Hà Nội sẽ phát sinh 10 điểm ùn tắc mới. Cụ thể như tại đường Nguyễn Xiển (đoạn từ Nguyễn Trãi đến Khu tưởng niệm Chu Văn An) những ngày qua đang là điểm nóng về ùn tắc giao thông khi hàng rào thi công các hố ga dẫn nước của dự án xử lý nước thải Yên Xá khiến mặt cắt lòng đường bị thu hẹp còn 3,5-4 m.

Trước tình trạng trên, TP Hà Nội đã phải yêu cầu chủ đầu tư dự án (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội) thu hẹp lại 3 m rào chắn để mở rộng nút thắt cổ chai của đoạn đường.

Gần đây nhất, Sở GTVT Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội chấp thuận điều chỉnh phương án phân luồng tổ chức giao thông, xén dải phân cách giữa (dưới đường vành đai 3 trên cao) để tạo làn đường tạm rộng 5-6 m cho ô tô con, xe máy lưu thông. Đề xuất này vẫn đang được TP xem xét.

Hay như điểm ùn tắc tại nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, khu vực có hạ tầng giao thông khá đồng bộ, mới đầu tư. Tuy nhiên, do lưu lượng giao thông quá lớn vào giờ cao điểm nên khu vực này thường xuyên xảy ra ùn tắc. Vấn đề này cũng đã được cử tri kiến nghị với lãnh đạo TP Hà Nội có giải pháp khắc phục.

Và để tháo bỏ nút thắt giao thông này, ngày 28-11 vừa qua, lực lượng chức năng đã phải bố trí dải phân cách mềm, điều chỉnh lại luồng giao thông tại khu vực này.

Do mật độ phương tiện gia tăng nhanh cùng với việc nhiều dự án hạ tầng kỹ thuật thực hiện rào chắn một số đoạn đường để thi công, dự báo nội thành Hà Nội sẽ phát sinh 10 điểm ùn tắc mới.

Giải pháp nào cho giao thông Hà Nội?

Sở GTVT Hà Nội cho biết quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã chỉ rõ tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông phải đạt 20%-26%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3%-4%, tỉ lệ vận tải hành khách phải đạt được 50%-55%. Tuy nhiên, đến nay tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới được <1%; tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đạt được khoảng 17,8%.

Trong khi đó, dân số của TP hiện nay là hơn 8 triệu người (chưa bao gồm 1,2-1,5 triệu người vãng lai thường xuyên sinh sống và làm việc tại TP), lượng phương tiện gia tăng 4%-5%/năm. Chính điều này đã khiến tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt tại khu vực nội thành là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi cần phải có các giải pháp đột phá để giải quyết.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết sau khi nhận nhiệm vụ “tư lệnh giao thông” của TP ít ngày, bản thân ông đã trực tiếp đi thị sát các điểm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại khu vực nội thành để có giải pháp xử lý.

“Sở cùng các cơ quan liên quan sẽ tập trung xử lý dứt điểm từng điểm một bằng các giải pháp như phân luồng, mở rộng mặt cắt lòng đường, bố trí lực lượng điều tiết. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp cấp bách trước mắt, về lâu dài vẫn phải triển khai sáu nhóm giải pháp cơ bản về giảm ùn tắc giao thông đã được Thành ủy, HĐND, UBND TP ban hành thành chương trình, nghị quyết và kế hoạch thực hiện” - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói.

Cụ thể, sáu giải pháp cơ bản lâu dài của Hà Nội đặt ra gồm: Đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ theo quy hoạch, trong đó có các tuyến đường vành đai, các trục chính có tính kết nối (Nguyễn Hoàng Tôn, Nguyễn Tam Trinh, Lĩnh Nam, đường 70, các cầu qua sông Hồng...; phát triển vận tải hành khách công cộng); xây dựng văn hóa giao thông; tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm về giao thông vận tải; xây dựng giao thông thông minh; quản lý hiệu quả, phát huy tối đa năng lực kết cấu hạ tầng giao thông.•

Thêm nhiều giải pháp cấp bách

Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ngoài sáu giải pháp trên, ngành giao thông Hà Nội cũng triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách để xóa bỏ 37 điểm ùn tắc trên địa bàn. Trong số này sẽ tập trung xử lý 3/10 điểm ùn tắc dự kiến phát sinh như nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, khu vực cống Trung Văn, nút giao Lê Quang Đạo - đường gom đại lộ Thăng Long, từ nay đến cuối năm xử lý dứt điểm ba điểm ùn tắc khác.

Theo đó, liên ngành giao thông, công an và các địa phương sẽ rà soát các vị trí giao cắt gây xung đột để bố trí các lực lượng hướng dẫn giao thông nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông vận tải, xử lý tình trạng các phương tiện cố tình đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, đi xe lên vỉa hè; đề xuất giải pháp xén vỉa hè và dải phân cách, mở rộng tối đa mặt đường, mở rộng các nút giao, tạo các nhánh rẽ phải liên tục để giảm bớt lưu lượng phương tiện dừng chờ tại nút; tổ chức phân luồng giao thông hợp lý nhất để phục vụ thi công các dự án.

TRỌNG PHÚ

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-tim-cach-xoa-bo-37-diem-un-tac-giao-thong-post710877.html