Hà Nội tìm lối thoát cho hơn 700 dự án 'trùm mền'

Hơn 700 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP Hà Nội chậm triển khai đang 'đóng băng' trên 5.000 ha đất, gây lãng phí lớn. Trước thực trạng này, Thành phố đã ra 'tối hậu thư' nhằm giải quyết dứt điểm vấn đề đặt ra, nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Tại phiên họp ngày 4/7 của kỳ họp HĐND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải khẳng định, thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung quyết liệt kiểm tra, thu hồi các dự án ngoài ngân sách chậm triển khai để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tập trung thu hút các nguồn lực để phát triển.

419/712 dự án đã được xử lý

Phó Chủ tịch Hà Minh Hải cũng cho biết, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã trực tiếp chủ trì làm việc với các sở, ngành để xem xét, chỉ đạo xử lý, giải quyết cụ thể đối với các dự án chậm triển khai trên địa bàn từng quận, huyện, thị xã. Thời gian qua, đã làm việc với các quận, huyện là “điểm nóng” như Mê Linh, Thạch Thất, Quốc Oai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy.

"Ngay sau kỳ họp HĐND, Chủ tịch UBND TP tiếp tục làm việc với các quận, huyện có nhiều dự án chậm như Hoàng Mai, Long Biên, Hoài Đức....", ông Hà Minh Hải thông tin.

Đã có 419/712 dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội được gỡ vướng.

Đã có 419/712 dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội được gỡ vướng.

Cuối tuần trước, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cũng cho biết, đến nay, Thành phố đã tiến hành rà soát đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn, đồng thời sẽ đưa ra những giải pháp xử lý triệt để trong năm 2023.

Người phát ngôn của UBND TP Hà Nội chia sẻ, việc xử lý các dự án chậm triển khai đã được Hà Nội thực hiện từ năm 2011. Vắt qua 3 nhiệm kỳ, đây đang là vấn đề nóng được các ban, ngành thành phố đặc biệt quan tâm.

Đến nay, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt thực hiện dự án đối với 66 dự án; đồng thời đang thực hiện thủ tục tương tự đối với 60 dự án khác, dự kiến có quyết định trong tháng 7/2023.

Cùng với các dự án đã được giao cho các quận, huyện, sở, ngành theo dõi, đôn đốc triển khai trước đó, đến nay, 419/712 dự án đã được Thành phố xử lý. Còn lại 293/712 dự án (chiếm 41,2%), UBND TP xác định sẽ tập trung xử lý xong trong năm 2023.

Tăng cường kỷ cương, nêu cao trách nhiệm

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, hàng trăm dự án “treo” nằm rải rác ở khắp các quận, huyện gây lãng phí lớn về nguồn lực đất đai. Từ công trình phục vụ dân sinh đến cả những dự án nằm ở trung tâm thành phố được xem là “đất vàng” cũng rơi vào hoàn cảnh “đắp chiếu” xuyên thập kỷ.

Điển hình như ở Thạch Thất, theo báo cáo hồi đầu quý II/2023 của UBND huyện, trên địa bàn huyện có 28 dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, chia làm 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất, huyện đề nghị thu hồi đất, hủy quyết định thu hồi đất, chấm dứt hoặc rà soát dự án là 15 dự án. Trong đó có 9 dự án đã có Quyết định chấm dứt việc thu hồi đất, giao đất của UBND TP. Nhóm thứ hai, huyện đề nghị tiếp tục rà soát các thủ tục dự án với 13 dự án.

Bên cạnh những dự án đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để thi công phần thô hoặc một số hạ tầng kỹ thuật, sau đó nằm “đắp chiếu” thì cũng có hàng trăm dự án “ôm” đất đến gần 20 năm nhưng cũng không triển khai, tập trung ở các địa bàn huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì...

Trong đó, huyện Mê Linh có số lượng nhiều nhất, tổng số gần 50 dự án với gần 2.400ha đất nằm “đắp chiếu”, người dân không có đất canh tác, Nhà nước không thu được tiền sử dụng đất, gây lãng phí nghiêm trọng.

Đẩy nhanh tiến độ dự án là yếu tố giúp Hà Nội tăng hiệu quả sử dụng đất đai.

Đẩy nhanh tiến độ dự án là yếu tố giúp Hà Nội tăng hiệu quả sử dụng đất đai.

Như Vnbusiness đưa tin cuối tuần trước, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hà Đông và huyện Thanh Oai, Thanh Trì, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết tới đây, Thành phố sẽ quyết liệt rà soát các dự án có sử dụng đất chậm triển khai; tiếp tục kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ ban hành Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị nhằm khắc phục tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trước đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng nhiều lần yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục tập trung kiểm tra, xử lý 700 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, kiên quyết thu hồi, chấm dứt và hỗ trợ thu hồi các dự án chậm triển khai, không để tình trạng chây ỳ, kéo dài và coi đây là việc làm thường xuyên, định kỳ hàng năm.

Riêng với các dự án đầy đủ thủ tục thì cho triển khai ngay theo phân kỳ và từng bước. Ngoài ra, phải thống kê, phân loại các dự án theo quy định, lựa chọn địa phương còn tồn tại nhiều dự án để kiểm tra, rà soát.

Hai hướng giải quyết dứt điểm

"Thành phố tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhưng cũng quyết liệt thu hồi ngay các dự án chậm triển khai… Dù dự án quan trọng đến đâu cũng không để tổn hại đến lợi ích của người dân", Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Tại họp báo thông tin về tình hình kinh tế xã hội quý II/2023, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng cho hay đến nay, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư chấm dứt thực hiện dự án đối với 66 dự án; đồng thời đang thực hiện thủ tục tương tự đối với 60 dự án khác, dự kiến có quyết định trong tháng 7/2023.

Cùng với các dự án đã được giao cho các quận, huyện, sở, ngành theo dõi, đôn đốc triển khai trước đó, đến nay, 419/712 dự án đã được Thành phố xử lý. Còn lại 293/712 dự án (chiếm 41,2%), UBND TP xác định sẽ tập trung xử lý xong trong năm 2023.

UBND TP tiếp tục tập trung thực hiện theo hai hướng. Một là tập trung hỗ trợ thủ tục đầu tư cho các dự án đẩy nhanh tiến độ triển khai. Hai là kiên quyết thu hồi, dừng các dự án không đủ điều kiện hoặc vi phạm quy định.

Theo ông Trương Việt Dũng, trong một năm qua, số liệu xử lý các dự án chậm triển khai cho thấy rất tích cực. Việc tập trung xử lý 712 dự án trong vòng hơn một năm qua thể hiện quyết tâm chính trị rất lớn của Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP cùng sự vào cuộc tiên phong của các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thời gian tới, UBND TP Hà Nội sẽ thực hiện thường xuyên, liên tục việc rà soát, kiểm tra, giám sát, xử lý các dự án có sử dụng đất chậm triển khai để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy công tác đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//du-an/ha-noi-tim-loi-thoat-cho-hon-700-du-an-trum-men-1093679.html