Hà Nội tính tăng giá nước sạch
Sau sự cố cung cấp nước sạch sông Đà nhiễm dầu thải cho người dân Hà Nội, mới đây thành phố Hà Nội lại tính đến việc tăng giá nước sạch khiến nhiều người băn khoăn.
Chất lượng nước tương xứng với giá ?
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng vừa có văn bản giao Sở Tài chính phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh giá nước sạch trên địa bàn Thủ đô. Cùng với đó, Hà Nội cũng đưa ra chính sách hỗ trợ về giá nước sạch cho người dân ở khu vực nông thôn, nhất là các xã xa trung tâm, đảm bảo phù hợp với thực tế của Hà Nội.
Hiện giá nước sinh hoạt ở Hà Nội được tính theo Quyết định 38, năm 2013. Thời điểm đó, Hà Nội quyết định tăng giá nước sinh hoạt trong 3 năm liên tiếp từ 2013 - 2015. Mỗi năm, Hà Nội tăng giá nước một lần trong 3 năm liên tiếp, tính từ ngày 1/10.
Cụ thể, giá nước sinh hoạt (10 m3 đầu tiên) sau 3 năm tăng liên tiếp, đến năm 2015 là 5.973 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ trên 10m3 đến 20m3, năm 2015 là 7.052 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt từ 20 m3 đến 30m3, năm 2015 là 8.669 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên 30m3, năm 2015 là 15.929 đồng/m3. Giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội được giữ ổn định từ năm 2015 đến nay.
Gia đình ông Đỗ Việt Cường, (phường La Khê, Hà Đông) hiện mỗi tháng dùng từ 120.000 -140.000 đồng tiền nước sạch. “Với những gia đình thu nhập thấp, sinh viên thuê nhà trọ thì việc tăng giá nước sẽ tác động khá lớn đến đời sống. Nhất là những người thuê nhà trọ vì hiện luôn bị tính mức giá trần cao nhất. Vào thời điểm hiện nay, sau sự cố nước sạch sông Đà thì người dân đang đặt câu hỏi về chất lượng nước có đảm bảo so với giá thành công bố?, ông Đỗ Việt Cường cho biết.
Còn bà Hà Trang, Khu chung cư Rimex (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cùng những người dân tại đây vẫn ám ảnh chất lượng nước sông Đà. “Các cuộc họp dân cư gần đây đều bàn về chất lượng nước sinh hoạt. Dù Hà Nội và Công ty nước sạch sông Đà công bố nước đã đạt tiêu chuẩn, nhưng thực tế để bông và màng lọc tại vòi chỉ 2 ngày sau vẫn thấy đục ngầu. Do đó người dân khu chung cư không an tâm về nước sạch nên kiến nghị thay nguồn nước cấp. Trường hợp không thay được nguồn phải lắp hệ thống lọc tại bể nước nhà chung cư để đảm bảo nước sạch. Hiện người dân vẫn phải mua nước uống đóng chai về nấu ăn. Nước sạch Sông Đà chỉ dùng để vệ sinh. Gần đây, chúng tôi cũng nghe đến việc tăng giá nước nhưng như vậy không hợp lý vì thực tế nước Sông Đà không ai dám chắc đã đạt tiêu chuẩn. Giá nước sạch phải đi đôi với chất lượng nước”, bà Hà Trang kiến nghị.
Trong khi đó, tại khu chung cư thấp tầng tại phường Xuân La (tổ 4B, phường Xuân La, quận Tây Hồ), người dân tòa CT1A cũng rất bức xúc về giá nước sạch. Từ nhiều năm nay, đơn vị quản lý tòa nhà này chỉ thông báo thu tiền nước mà không phát phiếu thu. “Tỷ lệ thất thoát nước theo bảng kê lúc thu tiền luôn cao, có thời điểm lên đến 40%, nếu tăng giá nước sạch thì chi phí này sẽ tăng theo tỷ lệ thuận”, bà Diệu Linh, cư dân chung cư này bức xúc.
Đang rà soát giá thành sản xuất nước sạch
Mức giá nước sạch Hà Nội duy trì từ 2015 đến nay nhưng sức ép tăng giá nước sạch đang hiện hữu. Để triển khai dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống, từ tháng 7/2017, Hà Nội đã chấp thuận giá bán nước sạch tạm tính là 10.246 đồng/m3 (chưa bao gồm thuế VAT). Lộ trình tăng giá nước tối đa 7 %/năm nhưng không vượt quá khung giá nước sạch sinh hoạt theo quy định của Bộ Tài chính.
Có thể thấy, mức giá mua nước của Nhà máy nước mặt Sông Đuống cao hơn nhiều so với mức giá mua của Nhà máy nước sạch sông Đà. Cụ thể, lộ trình giá bán buôn nước sạch của Nhà máy nước sạch sông Đà từ năm 2014 - 2016 ở các mức từ 3.600 - 4.658,9 - 5.069,76 đồng/m3.
Tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội chiều 12/11, ông Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Về nguyên tắc tính giá nước của các đơn vị đều giống nhau theo quy định. Tuy nhiên, giá nước sạch sông Đuống cao hơn nước sạch sông Đà vì nhiều yếu tố khác nhau nên mức đầu tư khác nhau. Cụ thể, Nhà máy nước sạch Sông Đà đi vào hoạt động năm 2009, có mức đầu tư là 1.555 tỉ đồng, còn giá đầu tư của Nhà máy nước sạch sông Đuống gần 5.000 tỉ đồng. Chất lượng nguồn nước thô đầu vào của hai nhà máy cũng khác nhau.
Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt Sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng, nhưng nhà máy này đi vay tới 80%, tương ứng gần 4.000 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, theo đó là khoảng 2.003 đồng/m3 nước.
Các doanh nghiệp sản xuất nước sạch cũng đang phải rà soát chi phí sản xuất và lưu thông nước sạch. “Theo quy định, khi chi phí có sự thay đổi thì doanh nghiệp có quyền đề nghị Nhà nước điều chỉnh giá. Tuy nhiên, điều chỉnh thế nào, điều chỉnh bao nhiêu thì họ phải thuyết minh cho đầy đủ, để thuyết phục cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Việt Hà thông tin.
Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/xa-hoi/ha-noi-tinh-tang-gia-nuoc-sach-20191114144002146.htm