Hà Nội, TP Hồ Chí Minh chung cư rung lắc do động đất từ Myanmar

Người dân ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số nơi tại Việt Nam cảm nhận được rung lắc vào trưa nay 28/3 do ảnh hưởng từ 2 trận động đất mạnh liên tiếp tại Myanmar.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất cho biết, vào hồi 6 giờ 20 phút 57 giây (giờ GMT) ngày 28/3/2025 tức 13 giờ 20 phút 57 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/3/2025 một trận động đất có độ lớn 7.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.71 độ vĩ Bắc, 96.02 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 10km. Động đất xảy ra tại khu vực Myanmar. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Bản đồ chấn tâm động đất trận động đất có độ lớn 7.3 tại Myanmar.

Bản đồ chấn tâm động đất trận động đất có độ lớn 7.3 tại Myanmar.

Theo Trung tâm, cũng vào hồi 06 giờ 20 phút 57 giây (giờ GMT) ngày 28 tháng 3 năm 2025 tức 13 giờ 20 phút 57 giây (giờ Hà Nội) ngày 28 tháng 3 năm 2025 một trận động đất có độ lớn 7.6 xảy ra tại vị trí có tọa độ (21.856 độ vĩ Bắc, 95.812 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 21 km. Động đất xảy ra tại khu vực Myanmar. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.

Bản đồ chấn tâm động đất trận động đất có độ lớn 7.6 tại Myanmar.

Bản đồ chấn tâm động đất trận động đất có độ lớn 7.6 tại Myanmar.

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Myanmar từng xảy ra nhiều trận động đất mạnh. Cụ thể, năm 2011, khu vực biên giới với Lào đã xảy ra liên tiếp hai trận động đất hơn 7 độ, làm ít nhất 10 người chết. Thời điểm đó, một số khu vực ở Hà Nội cũng cảm nhận rung chấn.

Tại Việt Nam, trưa cùng ngày, nhiều người dân trong các tòa nhà cao tầng ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh (Quận 1, Phú Nhuận, Quận 11)... cho biết họ cảm nhận nhà cửa rung lắc, phải chạy ra ngoài.

Tại một số tòa nhà thương mại, chung cư cao tầng tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, người dân cũng cảm nhận được sự rung lắc, tuy nhiên mức độ vừa phải và kết thúc ngay sau đó. Đây là lần đầu tiên tại Bình Dương người dân mới chứng kiến hiện tượng này, nhiều người tỏ ra khá hoảng sợ và lo lắng.

Tại Hà Nội, cách tâm chấn động đất hơn 1.000km, người dân sống ở chung cư cao tầng tại nhiều quận ở Hà Nội như: quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm ghi nhận đồ vật rung lắc trong hơn 10 giây.

Một số người dân làm việc ở các tòa nhà cao tầng cho biết, không gian phòng làm việc chao đảo, đèn treo và cửa rung lắc khiến họ vội vàng chạy xuống tầng 1, thang máy bị ùn ứ nên nhiều người lựa chọn cách đi bộ xuống.

Tại các tuyến đường có nhiều tòa chung cư cao tầng như: Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, khoảng hơn 13 giờ 30 phút, nhiều người dân, nhân viên văn phòng tập trung đông trên vỉa hè sau khi cảm nhận rung lắc.

Anh Trần Minh, ở tầng 16 một tòa nhà tại phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, kể: "Chúng tôi cảm nhận không gian xung quanh rung chuyển, cửa nhà tự đóng mở qua lại", trong khi bên ngoài cư dân nhốn nháo ra hành lang bộ để chạy xuống dưới sảnh. Đến giờ này, chúng tôi vẫn chưa dám lên nhà".

Người dân ở chung cư ở Hà Nội chạy ra ngoài khi xảy ra rung lắc vào trưa 28/3/2025.. Ảnh: FB

Người dân ở chung cư ở Hà Nội chạy ra ngoài khi xảy ra rung lắc vào trưa 28/3/2025.. Ảnh: FB

Anh Nguyễn Ngọc Vinh (tại Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) nói. "Tôi sống ở tầng 19 chung cư cảm nhận rõ dư chấn, một số đồ đạc trong nhà rung lắc". Anh Vinh cho biết thêm, khi chia sẻ thông tin trên trang cá nhân, nhiều bạn bè, người thân của anh cũng cảm nhận tương tự, thậm chí có người không nghĩ động đất, có người còn bình luận rằng: "Tưởng có vấn đề huyết áp, đau đầu do thay đổi thời tiết".

Chị Hà Vi, ở chung cư quận Cầu Giấy cho biết: "Tôi ở tầng 38, tôi không dám chạy vì tôi sợ mình sẽ quá mệt khi phải đi bộ xuống. Tôi và các con ở nguyên trong nhà mà thấy lo lắng nhưng may quá chỉ vài phút là mọi thứ đã yên ắng trở lại."

Chị Nguyễn Thư, quận Thanh Xuân cho biết: "Tôi bị sốt 2 hôm nay, cứ nghĩ mình bị ảo giác khi xảy ra rung lắc. Cho đén khi bố mẹ gõ cửa vào phòng và kéo chạy ra khỏi căn hộ, chạy thang bộ từ tầng 23 xuống sảnh thì mới nhận ra hóa ra là rung lắc do ảnh hưởng của động đất."

Người dân ở chung cư ở TP Hồ Chí Minh chạy ra ngoài khi xảy ra rung lắc. Ảnh: FB

Người dân ở chung cư ở TP Hồ Chí Minh chạy ra ngoài khi xảy ra rung lắc. Ảnh: FB

 Người dân trong tòa nhà cao tầng ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh chạy ra ngoài khi cảm nhận rung lắc. Ảnh: Người dân cung cấp

Người dân trong tòa nhà cao tầng ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh chạy ra ngoài khi cảm nhận rung lắc. Ảnh: Người dân cung cấp

Tại TP Hồ Chí Minh, chị Kim Thy, nhân viên ở tòa nhà trên đường Mạc Đĩnh Chi, Quận 1 cho biết, lúc khoảng 13 giờ 30 khi đang ngồi làm việc thì cảm nhận có rung lắc nhẹ, thấy mọi người chạy ra ngoài nên theo cũng chạy theo quán tính.

Làm việc ở tầng 6, tòa nhà Viettel 285 Cách mạng tháng 8, Quận 10, chị Hồng Tâm cho biết lúc 13 giờ hơn, chị cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nhìn không rõ máy tính khoảng 30 giây. "Cảm giác lúc đó như bị váng đầu", chị Hồng Tâm nói.

Sau đó, nhiều người cũng cảm thấy rung lắc, chòng chành nên ùa ra thang bộ, chạy xuống đất. Bảo vệ hướng dẫn đi ra khỏi khu vực tòa nhà. Khoảng 14 giờ hơn, bảo vệ tòa nhà hướng dẫn mọi người trở lại tòa nhà để tiếp tục làm việc.

Người dân trong tòa nhà cao tầng ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh chạy ra ngoài khi cảm nhận rung lắc. Ảnh: Người dân cung cấp

Người dân trong tòa nhà cao tầng ở đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TP Hồ Chí Minh chạy ra ngoài khi cảm nhận rung lắc. Ảnh: Người dân cung cấp

Khoảng 13 giờ 30 ngày 28/3, nhiều người dân sống trên các tòa chung cư ở quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng (Hà Nội) thấy nhà rung chuyển, người chóng mặt như bị tụt huyết áp.

Rung lắc tại một căn hộ ở quận Hai Bà Trưng. Clip: FB

Rung lắc tại một căn hộ ở quận Hà Đông. Clip: FB

Động đất tại Myanmar gây lung lắc chung cư ở TP Hồ Chí Minh. Clip: VTC News

Tại Cần Thơ, một số tòa nhà chung cư cũng cảm nhận được rung lắc do ảnh hưởng của động đất. Nhiều người làm việc tại các toàn nhà cao tầng đã nhanh chóng xuống sảnh. Ảnh: Huyền Huyền

Tại Cần Thơ, một số tòa nhà chung cư cũng cảm nhận được rung lắc do ảnh hưởng của động đất. Nhiều người làm việc tại các toàn nhà cao tầng đã nhanh chóng xuống sảnh. Ảnh: Huyền Huyền

Một số tòa cao ốc ở TP Hồ Chí Minh rung lắc sau động đất ở Myanmar. Ảnh: Lê Kim Phụng

Một số tòa cao ốc ở TP Hồ Chí Minh rung lắc sau động đất ở Myanmar. Ảnh: Lê Kim Phụng

Một số tòa cao ốc ở TP Hồ Chí Minh rung lắc sau động đất ở Myanmar. Ảnh: Lê Kim Phụng

Một số tòa cao ốc ở TP Hồ Chí Minh rung lắc sau động đất ở Myanmar. Ảnh: Lê Kim Phụng

Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất vừa cập nhât, vào hồi 5 giờ 56 phút 34 giây (giờ GMT) ngày 28/3/2025 tức 12 giờ 56 phút 34 giây (giờ Hà Nội) ngày 28/3/2025 một trận động đất có độ lớn 3.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.659 độ vĩ Bắc, 108.265 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2km.

Bản đồ chấn tâm động đất

Bản đồ chấn tâm động đất

Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Các Khoa học Trái đất vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

Kỹ năng ứng phó khi xảy ra động đất

Động đất khó có thể dự báo trước được, tuy nhiên có một số điều chúng ta có thể làm trước, trong và sau động đất để tránh hoặc giảm thương tích và thiệt hại do động đất gây ra.

Trước khi xảy ra động đất:

Nếu ở các khu vực thường xuyên có cảnh báo động đất cần chủ động chuẩn bị sẵn các vật dụng khẩn cấp gồm nước uống đóng chai, đồ ăn đóng hộp, đèn pin, pin, radio, dụng cụ y tế, thuốc men và các nhu yếu phẩm khác. Không đặt các vật nặng lên giá đỡ cao, không đặt giường, tủ sát cửa kính. Những vật dụng trong nhà dễ đổ, rơi xuống nên được gắn chặt vào tường nhà. Các đồ vật nặng như: Kệ sách, tủ đồ… nên đặt ra xa khỏi các lối, đường thoát nạn. Những người sống ở chung cư cần nắm vững lối thoát hiểm. Theo dõi thông báo, chỉ dẫn của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Khi xảy ra động đất:

- Khi đang ở trong nhà:

+ Nếu động đất xảy ra khi đang ở trong nhà, ngay lập tức chui xuống gầm bàn, gầm giường chắc chắn để tránh các vật rơi trúng người và nếu trần nhà sập vẫn có không khí để thở. Ở đó ít nhất cho đến khi hết đợt rung chấn thứ nhất. Ra khỏi chỗ ẩn nấp sau khi hết cơn rung chấn và khi chỗ trú thực sự có nguy cơ sập đổ. Luôn giữ trẻ em, người lớn tuổi theo bên mình. Mang giày, dép để tránh giẫm phải mảnh kính vỡ, đồ vật sắc nhọn.

+ Nhanh chóng loại trừ nguồn nhiệt: Nếu động đất nhẹ, khóa van khí đốt (gas), tắt các thiết bị điện rồi tìm nơi trú ẩn. Nếu quá mạnh, sau khi hết cơn rung chấn thứ nhất thì khóa van khí đốt (gas), tắt các thiết bị điện.

+ Nếu động đất nhỏ hoặc ngay sau khi hết cơn rung chấn lần thứ nhất, mở cửa sổ, cửa ra vào để thoát hiểm khi cần (đề phòng biến dạng cấu kiện xây dựng không mở được cửa). Không ra khỏi nhà khi động đất đang xảy ra, đề phòng cấu kiện xây dựng, đồ vật rơi vào người.

+ Tuyệt đối không sử dụng thang máy. Nếu đang ở trong thang máy mà nguồn điện vẫn hoạt động, nhanh chóng thoát khỏi thang máy, tìm chỗ trú ẩn trong tòa nhà. Nếu thang máy mất điện, lập tức nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi đến khi thang máy hoạt động trở lại hoặc hết rung chấn thì gọi trợ giúp, sử dụng thang bộ sau khi ra khỏi thang máy.

- Khi đang đi ngoài đường: Nếu động đất xảy ra khi đang ở ngoài đường thì nên lánh nạn ở những bãi đất trống, tránh xa các tòa nhà cao tầng, tường cao, dây điện, panô quảng cáo, cây to… Nếu động đất xảy ra trong lúc lái xe, tìm một địa điểm an toàn để dừng lại, tốt nhất là tấp xe vào lề đường, tránh xa các trụ điện, dây điện, cầu, cầu vượt, đường dốc.

Sau khi động đất xảy ra: giúp đỡ mọi người xung quanh, tìm kiếm người bị nạn, cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy (nếu cần thiết). Nếu bị mắc kẹt trong không gian hẹp, hãy tìm mọi cách ra hiệu cho mọi người biết (gọi điện thoại, soi đèn hoặc gõ, đập mạnh vào các tấm, ống kim loại gần đó). Luôn cảnh giác với dư chấn và thường xuyên cập nhật tin tức, thông báo của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

(Tiếp tục cập nhật)

PV (tổng hợp - Clip, ảnh: FB)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/live-ha-noi-tp-ho-chi-minh-chung-cu-rung-lac-do-dong-dat-tu-myanmar.html