Hà Nội triển khai đồng bộ 7 cây cầu qua sông Hồng
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, thời điểm này, TP Hà Nội triển khai đồng bộ 7 cây cầu vượt qua sông Hồng. Chiến lược đầu tư phát triển của TP Hà Nội liên quan tới triển khai đồng loạt các cây cầu vượt sông Hồng là rất quan trọng...
Đầu tư xây các cầu vượt sông Hồng
Trao đổi với báo chí ngay sau Kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hà Nội ngày 25/2, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, hôm nay, HĐND TP Hà Nội đã quyết nghị thông qua một số nghị quyết rất quan trọng do UBND TP trình, về việc đầu tư các dự án xây dựng 3 cây cầu vượt sông Hồng, đó là cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trao đổi với báo chí ngay sau Kỳ họp thứ 21 HĐND TP Hà Nội, ngày 25/2
Đối với cầu Tứ Liên và cầu Trần Hưng Đạo - đây là cầu nối ở tại khu vực trung tâm của Thủ đô Hà Nội, nối bờ Nam sông Hồng tới Bắc sông Hồng.
Riêng cầu Ngọc Hồi liên quan tới địa giới của 2 tỉnh thành, chủ yếu là TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên kết nối ở khu vực. Cầu Ngọc Hồi trùng với đường Vành đai 3,5 của Thủ đô Hà Nội nối sang vành đai của tỉnh Hưng Yên.
Trong thời kỳ này, TP Hà Nội cũng có chủ trương đầu tư triển khai dự án đầu tư đối với 2 cầu- cầu Hồng Hà và cầu Mễ Sở nằm trong dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
Trước đó nữa, Hà Nội đã thiết lập chủ trương đầu tư đối với cầu Thượng Cát, đó là Vành đai 3,5 phía Bắc. Cùng thời kỳ này, TP Hà Nội cũng thông qua các chủ trương đầu tư và triển khai dự án đầu tư đối với cầu Vân Phúc nối TP Hà Nội với tỉnh Vĩnh Phúc, được ví như Vành đai 4,5.
Như vậy, thời điểm này, TP Hà Nội triển khai đồng bộ 7 cây cầu vượt qua sông Hồng. Chiến lược đầu tư phát triển của TP Hà Nội liên quan tới triển khai đồng loạt các cây cầu vượt sông Hồng là rất quan trọng, bởi vì theo điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô cũng như Quy hoạch Thủ đô xác định sông Hồng là trục trung tâm, là trục cơ sở để phát triển đồng bộ, đồng đều cả phía Nam sông Hồng và Bắc sông Hồng.
Hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng giao thông
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, trong chiến lược phát triển của Thủ đô, Hà Nội phát triển mạnh về khu vực phía Bắc và hoàn chỉnh khu vực phía Nam cũng như phát triển các khu vực ở phía Tây và phía Nam của Thủ đô Hà Nội; tạo tiền đề quan trọng để hoàn chỉnh đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng hoàn chỉnh cả hạ tầng kỹ thuật của đường sắt đô thị. Vừa qua, Hà Nội đã trình Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải để trình Quốc hội đề án đầu tư tổng thể hệ thống đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Thủ đô cũng như triển khai quy hoạch chung Thủ đô.
Như vậy, cùng với quy hoạch giao thông đường bộ, đồng bộ phát triển hệ thống giao thông đường sắt cùng thời kỳ, và phát triển hài hòa Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng cũng như tạo tiền đề quan trọng để TP Hà Nội có thể kiện toàn phát triển những mô hình TP phía Bắc sông Hồng đối với khu vực của huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và phát triển TP phía Tây đối với khu vực Hòa Lạc, Xuân Mai và đặc biệt đồng bộ kết nối với khả năng phát triển của TP phía Nam, khi mà phát triển Cảng hàng không quốc tế thứ 2.
Vừa qua, Hà Nội còn phát triển cả khu vực phía tỉnh Bắc Ninh liên quan kết nối sân bay Gia Bình về Thủ đô Hà Nội. "Việc có trục đường quan trọng từ khu vực sân bay Gia Bình về, kết nối với các cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi đã tạo ra một hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh phục vụ cho đầu tư phát triển" - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn thông tin.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 21, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương đầu tư và thống nhất về cơ quan chủ quản đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình cầu lớn qua sông Hồng.
Theo đó, HĐND TP Hà Nội quyết nghị thống nhất trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa) và Dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công.
Cùng đó, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định giao UBND TP Hà Nội làm cơ quan chủ quản thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu nằm trên 2 địa bàn hành chính cấp tỉnh (TP Hà Nội và tỉnh Hưng Yên).
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trien-khai-dong-bo-7-cay-cau-qua-song-hong.html