Hà Nội triển khai nhiều biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em
Trên địa bàn Hà Nội, một số vụ việc trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích rất nghiêm trọng, đặc biệt tử vong do ngã từ các khu chung cư, nhà cao tầng, bỏng, cháy, đuối nước... đã xảy khiến dư luận xã hội không khỏi lo lắng.
Có thể điểm lại một số vụ trẻ em rơi từ tầng cao chung cư xuống đất gây tử vong hoặc chấn thương nặng để minh chứng sự báo động nghiêm trọng về vấn đề này. Cụ thể, tháng 3/2019, một bé trai 5 tuổi tử vong do rơi từ tầng cao của chung cư Rice City - Khu đô thị Linh Đàm (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Nguyên nhân được xác định là bé đã trèo lên cửa sổ phòng ngủ không có chấn song và rơi xuống đất.
Tháng 4/2019, một bé trai 4 tuổi đã rơi từ tầng 11 xuống phần mái che tầng 1 của tòa chung cư Vina Hud Cửu Long (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) và tử vong. Trước đó, cháu bé đã trèo ra cửa sổ, rơi xuống dưới trong lúc bố mẹ cháu bé không có ở nhà và đóng cửa chính. Đến tháng 6/2019, một bé gái 6 tuổi trèo ra ban công tầng 14 của tòa nhà CT1-B2 (Khu đô thị Xa La, quận Hà Đông) rồi không may rơi xuống mái tôn tầng 2. Do chấn thương quá nặng, bé gái đã không qua khỏi. Khi sự việc xảy ra, bé gái ở nhà một mình và gia đình không lắp lưới an toàn ban công...
Qua những vụ việc đáng tiếc kể trên, nhằm đảm bảo cho trẻ em phát triển toàn diện, sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, phòng, chống trẻ em bị rơi, ngã ở các khu chung cư, nhà cao tầng; Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 10/6/2016 của UBND thành phố về tăng cường chỉ đạo, thực hiện phòng, chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho học sinh, trẻ em.
Cùng với đó, ngành chức năng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em về phòng, chống tai nạn thương tích; tăng cường tuyên truyền, vận động cha mẹ, người chăm sóc trẻ em thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, nhất là trong thời gian học trực tuyến hoặc nghỉ học do dịch COVID-19, trong thời gian nghỉ hè và mùa mưa bão.
Các sở, ngành chức năng, các cấp quận, huyện tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Lực lượng chức năng rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ cao xảy ra tai nạn như ao, hồ, sông ngòi, khu vực nước sâu, nguy hiểm, các công trình xây dựng đang thi công hoặc đang tạm dừng thi công, các khu chung cư, nhà cao tầng...; có các biện pháp chủ động phòng, chống, khắc phục, sữa chữa nhằm loại bỏ những nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ em như làm rào chắn, biển chỉ dẫn, lưới an toàn tại các hành lang, cửa sổ, ban công; lối thoát hiểm tại các nhà cao tầng khi gặp hỏa hoạn...
Biện pháp cần thiết nữa là tổ chức các lớp dạy bơi an toàn cho trẻ em, mở rộng việc dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em trong môi trường nước để phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ trẻ em thuộc gia đình nghèo, cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; tổ chức các lớp kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho trẻ em; chỉ đạo, hướng dẫn quản lý và sử dụng có hiệu quả các điểm vui chơi tại cộng đồng; tăng cường sử dụng thư viện, câu lạc bộ, nhà văn hóa, điểm vui chơi, giải trí, cơ sở thể dục, thể thao phục vụ trẻ em.
Các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã thường xuyên tổ chức kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về phòng, chống tai nạn, thương tích, an toàn giao thông đường thủy, đường bộ, phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em; thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật, quy chuẩn xây dựng Việt Nam QCXDVN 05:2008/BXD về nhà ở và công trình công cộng, đối với các công trình xây dựng của chủ đầu tư và đơn vị quản lý, sử dụng công trình để đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Cùng với việc tăng cường phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, triển khai, Thành phố huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và người dân trong việc phát hiện, giám sát, cảnh báo, gia cố các khu vực có nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ em. Các cơ quan chức năng xử lý nghiêm trách nhiệm các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng liên quan các vụ việc trẻ em tử vong do tai nạn thương tích đặc biệt nghiêm trọng; báo cáo kịp thời nguyên nhân, các biện pháp khắc phục, phòng ngừa khi xảy ra các vụ việc trẻ em bị tử vong do tai nạn, thương tích theo quy định.