Hà Nội triển khai nhiều mô hình PCCC sau hàng loạt vụ cháy thương tâm

Trước các vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng, Hà Nội xây dựng 6 mô hình PCCC giúp người dân chủ động khống chế, giảm thiểu thiệt hại do các đám cháy gây ra.

"Ngõ nhỏ, chuồng cọp" - nguyên nhân của nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng

Từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội xảy ra 127 vụ cháy (số liệu được tính trong 6 tháng đầu năm 2023) khiến 6 người chết, 9 người bị thương cùng thiệt hại lớn về tài sản. Trong số 127 vụ cháy, có nhiều trường hợp là cháy nhà dân trong các con ngõ nhỏ và sâu hay các tầng bị bịt kín bởi "chuồng cọp", không có lối thoát hiểm thứ 2,... khiến lực lượng chức năng rất khó để tiếp cận và khống chế ngọn lửa.

Theo đó, trong ngày 13/5 vừa qua tại phố Thành Công (Hà Đông, Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn làm 4 bà cháu tử vong thương tâm. Theo báo cáo của lực lượng chức năng, ngôi nhà xảy ra cháy cao 3 tầng và 1 tum. Phần tum thông thoáng có thể thoát nạn sang nhà bên cạnh và xuống dưới. Phía trước căn nhà từ tầng 1-3 được quây kín bởi lồng sắt, hay còn gọi là "chuồng cọp".

Gần như toàn bộ căn nhà trong vụ cháy 4 người chết tại Hà Đông đã bị bịt kín, nếu đám cháy xảy ra từ tầng 1, người bên trong sẽ rất khó để thoát ra ngoài.

Gần như toàn bộ căn nhà trong vụ cháy 4 người chết tại Hà Đông đã bị bịt kín, nếu đám cháy xảy ra từ tầng 1, người bên trong sẽ rất khó để thoát ra ngoài.

Sau vụ hỏa hoạn, hàng xóm xung quanh cho biết khi phát hiện cháy, có người mắc kẹt bên trong, nhưng lửa cháy lớn ở tầng một, phía trước ngôi nhà được quây kín khung sắt nên không thể tiếp cận, giải cứu nạn nhân.

Gần đây nhất, sáng sớm ngày 8/7/2023, tại phường Thổ Quan, (Đống Đa, Hà Nội) đã có 3 nạn nhân tử vong trong vụ hỏa hoạn tại 1 ngôi nhà ống diện tích khoảng 60 m2 (không có lối thoát hiểm thứ 2) và nằm trong con ngõ nhỏ có diện tích hẹp và sâu, xe chữa cháy và lực lượng cứu hộ rất khó tiếp cận.

Những vụ việc được nêu trên không phải hiếm. Trước đó đã có nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng, một phần nguyên nhân cũng là do "chuồng cọp" bịt kín lối thoát hiểm, chữa cháy trong ngõ nhỏ, hẹp và sâu gây khó khăn cho công tác cứu hỏa, cứu nạn.

Năm 2022, tại khu tập thể B9 Kim Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) đã xảy ra vụ hỏa hoạn làm 5 người chết, 2 người bị thương. Có mặt tại hiện trường vụ cháy, nhiều người bàng hoàng khi cả căn hộ và toàn bộ chung cư được cơi nới chật kín "chuồng cọp".

Năm 2017, một vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại con ngõ trên đường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Mặc dù khi nghe tin báo cháy, các lực lượng chức năng đã nhanh chóng tới hiện trường. Tuy nhiên do lối vào căn nhà đang chìm trong biển lửa quá nhỏ hẹp, nên các lực lượng gặp nhiều khó khăn, mất nhiều thời gian để tiếp cận hiện trường. Hậu quả, 4 người trong căn nhà tử vong.

Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình PCCC mới, 1 trong số các mô hình thí điểm đã đem lại hiểu quả nhất định, chứng minh được công dụng trong thực tế.

Hà Nội đang triển khai nhiều mô hình PCCC mới, 1 trong số các mô hình thí điểm đã đem lại hiểu quả nhất định, chứng minh được công dụng trong thực tế.

Có thể thấy điểm chung của tất cả các vụ việc đau lòng nêu trên đều có 1 phần nguyên nhân là do các đám cháy xảy ra trong ngõ nhỏ, diện tích chật hẹp và nhà dân thì thường bị bịt kín, không có lối thoát hiểm thứ 2 khiến lực lượng chức năng rất khó tiếp cận để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Bên cạnh đó, việc người dân thiếu kiến thức về PCCC hay chưa trang bị các thiết bị PCCC cũng là 1 phần nguyên do khiến các vụ hỏa hoạn ít khi được ngăn chặn ngay từ đầu.

Hà Nội xây dựng nhiều mô hình PCCC mới sau hàng loạt vụ hỏa hoạn thương tâm:

Trước tình hình trên, để đảm bảo công tác PCCC tại các khu dân cư nằm trong ngõ nhỏ, thành phố Hà Nội nói chung và các quận, huyện đã đồng loạt triển khai các mô hình PCCC như: Tổ liên gia an toàn PCCC; Điểm chữa cháy công cộng; Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC;... Trong đó, mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng đã và đang phát huy được hiệu quả nhất định, hỗ trợ không nhỏ trong việc khống chế, dập tắt các vụ hỏa hoạn trong thời gian qua.

Vào đêm 17/7/2023, 1 vụ cháy do chập điện xảy ra tại địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) đã được người dân và lực lượng chức năng nhanh chóng khống chế nhờ chủ động kích hoạt Điểm chữa cháy công cộng.

Được biết, Điểm chữa cháy công cộng là 1 trong 6 mô hình Phòng cháy chữa cháy (PCCC) mới được thành phố Hà Nội triển khai từ đầu năm 2023.

Trao đổi với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, ông Nguyễn Đình Hà, Chủ tịch phường Xuân La (khu vực vừa ghi nhận trường hợp người dân chủ động dập tắt đám cháy nhờ mô hình Điểm chữa cháy công cộng) cho biết: "Từ khi địa phương áp dụng mô hình Điểm chữa cháy công cộng tại các ngõ, hẻm nhỏ kết hợp tuyên truyền, phổ biến kiến thức PCCC thì công tác đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ trên địa bàn đã được nâng cao, mỗi người dân đều có khả năng xử lý các đám cháy nhỏ".

"Mô hình Điểm chữa cháy công cộng tập trung triển khai ở các ngõ nhỏ có chiều sâu từ 50m trở lên, xe chữa cháy không tiếp cận được. Căn cứ vào điều kiện thực tế, khu vực có trụ nước chữa cháy có thể trang bị lăng, vòi, đầu nối; khu vực có ao, hồ, bể nước có thể trang bị máy bơm chữa cháy...", ông Hà nói thêm.

Theo Chủ tịch phường Xuân La, mặc dù có thiết bị và kiến thức về PCCC nhưng người dân không nên chủ quan, khi xảy ra cháy phải kết hợp khống chế đám cháy trong khả năng cho phép, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và ngay lập tức liên hệ lực lượng chức năng.

Nhiều mô hình PCCC lấy người dân làm trung tâm giúp nâng cao hiệu quả phòng, chống cháy nổ.

Nhiều mô hình PCCC lấy người dân làm trung tâm giúp nâng cao hiệu quả phòng, chống cháy nổ.

Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đám cháy trong các con ngõ nhỏ và sâu, điều này yêu cầu chính những người dân cũng cần phải trở thành các chiến sĩ PCCC, có khả năng khống chế ngọn lửa trong khả năng và tự biết đảm bản an toàn cho bản thân.

Lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận đám cháy trong các con ngõ nhỏ và sâu, điều này yêu cầu chính những người dân cũng cần phải trở thành các chiến sĩ PCCC, có khả năng khống chế ngọn lửa trong khả năng và tự biết đảm bản an toàn cho bản thân.

Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống về công tác tổ chức mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC trên địa bàn, đại diện lãnh đạo Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an quận Ba Đình cho rằng: "Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC giúp nâng cao hiệu quả của công tác chữa cháy tại chỗ. Đây là mô hình để người dân và lực lượng công an phòng cháy cơ sở chủ động hơn trong công tác PCCC".

"Mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC biến mỗi người dân trở thành 1 chiến sĩ PCCC, được trang bị kỹ năng chữa cháy, đảm bảo an toàn cho khu dân cư trong suốt quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời chữa cháy khi có cháy nổ xảy ra tại địa bàn, hạn chế tối đa thiệt hại do cháy nổ gây ra", lãnh đạo Đội Cảnh sát PCCC&CNCH quận Ba Đình cho biết thêm.

Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an Thành phố Hà Nội, 2 mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng sẽ góp phần thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC. Bên cạnh 2 mô hình này, việc triển khai đồng bộ và phù hợp 4 mô hình PCCC khác như: Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC; Cụm liên kết Làng nghề an toàn; Cụm liên kết an toàn trong Khu/Cụm công nghiệp; Cụm liên kết an toàn PCCC rừng cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả PCCC, đảm bảo an toàn cho người dân, giảm thiểu thiệt hại tối đa do các vụ hỏa hoạn gây ra.

Lối thoát hiểm thứ 2 là cần thiết đối với tất cả các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Lối thoát hiểm thứ 2 là cần thiết đối với tất cả các hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh các mô hình PCCC mới đang được thành phố Hà Nội triển khai, ông Bùi Xuân Thái, Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cũng đề xuất mỗi hộ gia đình đều cần xây dựng 1 "lối thoát hiểm thứ 2" trước tình trạng các vụ cháy nhà chuồng cọp gây hậu quả nghiêm trọng đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều.

Theo ông Thái, hiện nay nhiều gia đình ở Hà Nội đều có tâm lý hàn khung sắt, bịt kín ban công phía trước ở các tầng cao như "chuồng cọp" để chống trộm, bên cạnh đó, thiết kế nhà ống với 1 lối ra phía trước là lối kiến trúc phổ biến, phù hợp với điều kiện đất chật người đông như ở Hà Nội và có thể kết hợp ở và kinh doanh. Chính điều này vô tình gây cản trở, khiến việc thoát ra khỏi đám cháy gặp khó khăn, chưa kể lực lượng chức năng cũng mất nhiều thời gian để phá cửa, cắt khung sắt để tiếp cận, giải cứu người bị nạn.

"Các cơ quan chức năng khi cấp phép xây dựng cho nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh cần yêu cầu chủ hộ bố trí có 1 lối thoát hiểm thứ 2. Lối thoát hiểm thứ 2 có thể bố trí qua ban công, lô gia, cửa sổ có mặt ngoài thông thoáng, lối lên mái nhà hoặc bằng thang sắt, ống tụt, thang dây ngoài nhà… để thoát nạn khi cần thiết. Nếu tạo lối thoát qua mái, qua lồng sắt, cửa thoát cần có kích thước khoảng 80 cm", Trưởng ban Thông tin Truyền thông Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam bày tỏ quan điểm.

Để người dân Thủ đô nâng cao ý thức, chủ động phòng chống hỏa hoạn, UBND thành phố Hà Nội vừa ký ban hành Công văn số 2389/UBND-NC về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố. Theo đó, Công văn có nội dung đáng chú ý, yêu cầu các đơn vị vận động để 100% các hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh mở "lối thoát nạn thứ 2".

Khi các tiêu chí an toàn phòng cháy với nhà riêng lẻ, nhất là những căn nhà ống, ngõ nhỏ được xây dựng từ trước được đảm bảo, quy định về phòng cháy với nhà xây mới được tuân thủ, hậu quả của các vụ hỏa hoạn cũng sẽ được giảm thiểu.

Video vụ cháy làm 3 người tử vong ở Hà Nội:

Vụ Cháy Làm 3 Người Tử Vong Ở Hà Nội: Hàng Xóm Gọi Nạn Nhân Trong Vô Vọng.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ha-noi-trien-khai-nhieu-mo-hinh-pccc-sau-hang-loat-vu-chay-thuong-tam-169230724110337701.htm