Hà Nội triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 3629/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm thành phố Hà Nội đến năm 2020.

Kế hoạch nhằm mục tiêu phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của Hà Nội theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh nhằm sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn hợp lý, tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn và thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Việc thực hiện Kế hoạch sẽ do Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết (đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ quản lý; các đoàn công tác trong, ngoài nước, tham gia hội chợ, triển lãm…) đảm bảo đúng mục tiêu, đối tượng, tiết kiệm, thiết thực, hiệu quả. Tham mưu UBND TP thành lập hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm và tổ chức các kỳ đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP.

Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình thiết kế sản phẩm, phát triển sản xuất theo lĩnh vực quản lý, triển khai, giám sát thực hiện quy định về quản lý hệ thống phân phối hàng hóa trên địa bàn và các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề kết hợp với du lịch, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP. Xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhóm sản phẩm lĩnh vực của ngành quản lý.

UBND các quận, huyện, thị xã có nhiệm vụ xây dựng hệ thống chỉ đạo, thực hiện chương trình OCOP đến cấp xã theo quy định. Phối hợp với Sở NN&PTNT tổ chức thực hiện các nội dung Chương trình OCOP. Tiếp tục rà soát, đánh giá các sản phẩm trên địa bàn đạt yêu cầu, đề xuất bổ sung, đăng ký tham gia chương trình. Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Chương trình OVOOP của địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, trong đó, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương và phát triển dịch vụ nông thôn. Bố trí nguồn lực cần thiết, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình.

HP

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-trien-khai-thuc-hien-chuong-trinh-moi-xa-mot-san-pham-155096.html