Hà Nội: Trình phê duyệt chủ trương một số dự án đầu tư công
Kinhtedothi-Sáng nay, 12/9, tại Kỳ họp thứ 9 HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội Đỗ Anh Tuấn đã trình bày Tờ trình của UBND TP về phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP Hà Nội.
Theo Giám đốc Sở KH-ĐT, sau khi xem xét, UBND TP trình HĐND TP xem xét, phê duyệt chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với một số dự án đầu tư công như sau: Tổng số dự án trình phê duyệt chủ trương đầu tư là 16 dự án (2 dự án nhóm A và 14 dự án nhóm B) với tổng mức đầu tư dự kiến: 9.624.977 triệu đồng. Trong đó, dự án sử dụng ngân sách cấp TP là 15 dự án, tổng mức đầu tư dự kiến 9.179.701 triệu đồng; dự án sử dụng 100% ngân sách câp huyện là 1 dự án (sử dụng ngân sách quận Hoàng Mai), tổng mức đầu tư dự kiến 445.276 triệu đồng.
Cùng với đó, tổng số dự án trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư là 1 dự án nhóm B với tổng mức đầu tư dự kiến 298.402 triệu đồng, điều chỉnh tên dự án và cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách huyện Đông Anh sang sử dụng ngân sách TP (150.000 triệu đồng) và ngân sách huyện Đông Anh phần còn lại.
Về nhu cầu vốn và khả năng cân đối vốn cho các dự án, theo Giám đốc Sở KH-ĐT, đối với các dự án sử dụng ngân sách cấp TP, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cho các dự án trên cơ sở các Nghị quyết của HĐND TP. Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục đào tạo và giáo dục dạy nghề, dự kiến nguồn kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là 6.858.262 triệu đồng, gồm 1.434.155 triệu đồng đã phân bổ chi tiết kế hoạch vốn, dự nguồn cho các dự án; 5.424.107 triệu đồng chưa phân bổ chi tiết cho các dự án (trong đó 2.250.000 triệu đồng cho các dự án trường liên cấp, 2.959.107 triệu đồng cho các dự án lĩnh vực giáo dục và 215.000 triệu đồng cho các dự án lĩnh vực giáo dục dạy nghề). Đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư cho 4 dự án lĩnh vực giáo dục đào tạo (tổng mức đầu tư dự kiến 338.574 triệu đồng), nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn cấp TP dự kiến 288.200 triệu đồng.
Trong lĩnh vực y tế, dự kiến nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là 8.999.504 triệu đồng, gồm 2.176.000 triệu đồng đã phân bổ chi tiết mức vốn, dự nguồn cho các dự án; 6.823.504 triệu đồng chưa phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án. Đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư cho 4 dự án (tổng mức đầu tư dự kiến 2.051.521 triệu đồng), nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn cấp TP dự kiến 1.390.100 triệu đồng.
Trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, dự kiến nguồn Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là 6.185.380 triệu đồng, gồm 2.855.200 triệu đồng đã phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án; 3.330.180 triệu đồng chưa phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án (bao gồm 3.250.003 triệu đồng cho các dự án di tích, 80.177 triệu đồng cho các dự án khác lĩnh vực văn hóa thông tin). Đề xuất phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư cho 1 dự án lĩnh vực di tích (điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án từ ngân sách huyện Đông Anh sang sử dụng ngân sách TP và ngân sách huyện Đông Anh), nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn cấp TP dự kiến 150.000 triệu đồng.
Trong lĩnh vực đê điều, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là 3.709.000 triệu đồng, gồm 3.530.500 triệu đồng đã phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án; 178.500 triệu đồng chưa phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án. Đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư cho 1 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 380.000 triệu đồng, nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn cấp TP dự kiến 140.000 triệu đồng.
Trong lĩnh vực thủy lợi, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 là 5.952.000 triệu đồng, gồm 5.255.300 triệu đồng đã phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án; 696.700 triệu đồng chưa phân bổ chi tiết mức vốn cho các dự án. Đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 555.520 triệu đồng (trong đó 68.000 triệu đồng ngân sách huyện), nhu cầu kế hoạch vốn trung hạn dự kiến 260.000 triệu đồng (200.000 triệu đồng ngân sách TP và 60.000 triệu đồng ngân sách huyện).
Trong lĩnh vực giao thông, UBND TP đang báo cáo HĐND TP bổ sung nguồn vốn cho Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 cấp TP là 30.000.000 triệu đồng, trong đó đề xuất 2.840.000 triệu đồng cho 2 dự án giao thông nhóm A (tổng mức đâu tư dự kiến 5.854.086 triệu đồng) đã được Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy thông qua chủ trương triển khai dự án tháng 7/2022 và đề xuất phê duyệt chủ trương đầu tư tại Kỳ họp này. Đối với dự án sử dụng ngân sách cấp huyện, 1 dự án lĩnh vực giao thông có tổng mức đầu tư 445.276 triệu đồng sử dụng 100% ngân sách quận Hoàng Mai (HĐND quận đã quyết nghị sử dụng ngân sách quận tại Nghị quyết 04/NQ-HĐND ngày 2/7/2022). Thời gian thực hiện dự án đảm bảo phù hợp quy định của Luật Đầu tư công về thời gian bố trí vốn dự án (nhóm A không quá 6 năm, nhóm B không quá 4 năm).
Tại đây, thay mặt lãnh đạo các Ban HĐND TP trình bày báo cáo thẩm tra về nội dung này, Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND TP Hà Nội Hồ Vân Nga cho rằng, các dự án UBND trình HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư, và Ban thẩm tra báo cáo HĐND TP tại Kỳ họp này là nhũng dự án thuộc các lĩnh vực: Đê điều (1 dự án), thủy lợi (4 dự án) và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể (1 dự án). Đây là các dự án thuộc lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công nguồn NSNN giai đoạn 2021-2025 theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.
Theo đó, Ban thống nhất đề nghị HĐND TP xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư đối với 5 dự án cụ thể: Cải tạo, nâng cấp trạm bơm tiêu Cộng Hòa 1 và hệ thống kênh tiêu (kênh tiêu S8, kênh tiêu Đầm Bung 2, kênh nhánh), huyện Quốc Oai; Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu T6 kết hợp làm đường giao thông toàn tuyến (từ trạm bơm Đào Nguyên đến sông Đáy), huyện Hoài Đức; Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Cải tạo, nâng cấp kênh tiêu T5 giai đoạn 2, huyện Hoài Đức; Cải tạo, nâng cấp tuyến kênh chính Tam Báo, huyện Mê Linh; Cải tạo, nâng cấp Trụ sở làm việc Đoàn ĐB Quốc hội và HĐND TP và cải tạo sửa chữa hội trường tầng 3 Trụ sở HĐND-UBND TP.
Ban đề nghị UBND TP chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan, đơn vị liên quan khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi cần tiếp tục rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp thích họp, khớp nối đồng bộ, thuận lợi cho quá trình đầu tư và duy tu, vận hành công trình sau đầu tư, đảm bảo tránh trùng lặp, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-trinh-phe-duyet-chu-truong-mot-so-du-an-dau-tu-cong.html