Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch trọng điểm của cả nước
Sáng 18-10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chính thức công bố 'Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao', 'Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045'.
Hà Nội là cực tăng trưởng du lịch phía Bắc
Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Đạo Cương, việc tổ chức công bố 2 Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm góp phần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa những nội dung cơ bản, ý nghĩa, mục tiêu của 2 Quyết định Quy hoạch trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp, từ đó tạo sự đồng thuận, thống nhất về nhận thức và hành động để sớm đưa các quyết định này vào cuộc sống.
Theo đó, Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định, phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác.
Quy hoạch đặt ra mục tiêu, năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới; năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Năm 2025, du lịch Việt Nam phấn đấu đón 25-28 triệu lượt khách quốc tế, 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa 8-9%/năm, đóng góp trực tiếp 8-9% trong GDP. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13-15%/năm, đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa 4-5%/năm, đóng góp trực tiếp 13-14% trong GDP.
Quy hoạch xác định rõ việc phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.
Theo đó, Thủ đô Hà Nội là cực tăng trưởng quốc gia ở khu vực phía Bắc, đóng vai trò cửa ngõ và trung tâm phân phối khách cho các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng và cả vùng Trung du và Miền núi phía Bắc. Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng quốc gia ở khu vực phía Nam, đóng vai trò cửa ngõ thu hút khách quốc tế lớn nhất Việt Nam. Thành phố Đà Nẵng là cực tăng trưởng quốc gia ở khu vực miền Trung, đóng vai trò là cửa ngõ thu hút khách theo đường không, đường biển và đường bộ.
Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc xây dựng và hình thành 8 khu vực động lực phát triển du lịch để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa, thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch. Trong đó, ở phía Bắc có khu vực động lực phát triển du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Ninh Bình, hình thành trên cơ sở hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh…
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm
Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc.
Mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại. Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao; hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao.
Quy hoạch cũng xác định, tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á.
Quy hoạch đặt ra phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm: Mạng lưới bảo tàng; mạng lưới thư viện; mạng lưới cơ sở điện ảnh; mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn; mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật; mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài…
Hình thành các trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia. Nghiên cứu, xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Nhạc, vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Quy hoạch cũng nêu rõ việc cần đầu tư xây dựng các trung tâm nghệ thuật biểu diễn theo mô hình các tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với quy mô đạt cấp đặc biệt, sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội và Đà Nẵng; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và Nhà hát tổng hợp quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi cho mỗi cơ sở…
Tại hội nghị, các địa phương cũng thông tin về các chiến lược, chính sách đầu tư cho văn hóa, thể thao, du lịch. Tại Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021-2025 có kế hoạch đầu tư hơn 14.200 tỷ đồng cho việc bảo tồn, trùng tu các di tích trên địa bàn. Hà Nội cũng có chiến lược nghiên cứu phát triển các không gian sáng tạo, đặc biệt là tại khu vực 2 bên bờ sông Hồng trong tương lai…