Hà Nội: Truyền thông và khám sức khỏe sinh sản cho 300 nữ phạm nhân
Ngày 17/8, Hội LHPN Hà Nội phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hà Nội và Trại giam Thanh Xuân tổ chức Chương trình truyền thông các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với người chấp hành xong án phạt tù và khám sức khỏe sinh sản cho 300 nữ phạm nhân tại Phân trại số 3.
Đây là chương trình có ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ các phạm nhân nữ hiểu thêm về các chính sách của Đảng, Nhà nước quy định thi hành Luật Thi hành án hình sự về tái hòa nhập cộng đồng; các quy định hỗ trợ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm đối với người chấp hành xong án phạt tù…
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa cho biết, với phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau", trong nhiều năm qua, Hội LHPN thành phố đã có nhiều chương trình, hoạt động nhằm tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ giáo dục cải tạo phạm nhân nữ và giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; tổ chức các hoạt động tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trại viên..., qua đó giúp các chị em tái hòa nhập cộng đồng.
Trong khuôn khổ chương trình, các y, bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám phụ khoa cho một số phạm nhân nữ trong độ tuổi sinh sản; giúp chị em phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh phụ khoa.
Tiếp đó, để giúp các chị em hiểu hơn về các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đối với người chấp hành xong án phạt tù, Thượng tá Nguyễn Anh Tuấn, báo cáo viên pháp luật Trung ương Cục C11 (Bộ Công an) đã chia sẻ chuyên đề "Các chính sách của Nhà nước hỗ trợ đối với người chấp hành xong án phạt tù".
Thượng tá Phạm Bá Quỳnh, Phó Giám thị Trại giam Thanh Xuân, cho biết, hiện tại, Phân trại số 3, Trại giam Thanh Xuân đang quản lý, giáo dục hơn 1.400 phạm nhân nữ. Nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội là do trình độ học vấn thấp, không có việc làm ổn định hoặc có việc làm nhưng thu nhập thấp, không đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày; nghiện các chất ma túy, ít được tham gia vào các hoạt động, phong trào của hội phụ nữ cơ sở tại địa phương.
Xuất phát từ những nguyên nhân trên, ngay từ khi phạm nhân đến trại chấp hành án, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong công tác giáo dục nâng cao nhận thức cho phạm nhân; dạy và truyền nghề cho phạm nhân, như các nghề may mặc, dệt thảm và một số nghề khác nhằm giúp đỡ họ có một nghề để lao động, dần ổn định cuộc sống khi chấp hành xong án phạt tù.
Thượng tá Phạm Bá Quỳnh mong muốn, thông qua các hoạt động ý nghĩa này sẽ giúp cho các chị phạm nhân có cái nhìn lạc quan hơn về cuộc sống tương lai, tiếp tục chấp hành nghiêm pháp luật, Nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân, đồng thời tích cực tham gia vào các hoạt động, chương trình do Hội LHPN TP Hà Nội và Trại phối hợp tổ chức.
Tại chương trình, Hội LHPN thành phố Hà Nội và Hội LHPN huyện Thanh Oai tặng 30 suất quà cho các nữ phạm nhân có nhiều tiến bộ trong cải tạo được đề xuất giảm án và được đặc xá trong dịp này.