Hà Nội: Từng bước chuyển đổi số để phục vụ người dân tốt hơn
Xây dựng chính quyền số và công dân số là nền tảng vững chắc của nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS), hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. Hà Nội đang tích cực từng bước triển khai các dịch vụ công trực tuyến, mang đến những trải nghiệm tiện ích, giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân và DN.
Khuyến khích làm thủ tục cấp phiếu LLTP trực tuyến
Thời gian vừa qua, có trước tình trạng người dân phải xếp hàng tại Sở Tư pháp Hà Nội để làm thủ tục cấp phiếu Lý lịch tư pháp (LLTP). Sở Tư pháp khẩn trương tăng cường cán bộ, đổi mới quy trình tiếp nhận hồ sơ… Cùng với đó, Sở đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức gửi yêu cầu qua bưu điện và đăng ký online để giảm tải số lượng người đến yêu cầu trực tiếp; bố trí cán bộ giải đáp, hướng dẫn người dân khi đăng ký trực tuyến… Sở Tư pháp Hà Nội cũng đã có văn bản gửi các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị TP; Các cơ quan báo, đài TP ; UBND các quận, huyện, thị xã về việc tăng cường tuyên truyền thực hiện thủ tục cấp phiếu Lý lịch tư qua dịch vụ bưu chính công.
Ông Nguyễn Anh Minh, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp Hà Nội cho biết, Sở Tư pháp giải quyết thủ tục cho người dân theo 3 cách là đến trực tiếp, gửi hồ sơ qua đường bưu điện và đăng ký online qua Cổng Dịch vụ công. Thời gian qua, Sở Tư pháp đã tăng cường hoạt động và làm việc cả sáng thứ 7 trong, tăng cường thêm cán bộ hỗ trợ, tăng thời gian làm việc mỗi ngày thêm 1,5 giờ để giải quyết hồ sơ cho người dân. Đồng thời, Sở cũng đã ký hợp đồng với Bưu điện Hà Nội về việc chuyển phát hồ sơ và trả kết quả cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân. Theo đó, người dân có thể trực tiếp đến 60 điểm phục vụ của Bưu điện trên địa bàn Hà Nội để thực hiện thủ tục cấp phiếu Lý lịch tư pháp. Việc này sẽ góp phần giảm tải tình trạng phải xếp hàng dài ở Sở Tư pháp Hà Nội để làm thủ tục xét cấp Lý lịch tư pháp.
Trước đó, quá trình thực hiện Đề án 06 và các kế hoạch của UBND TP Hà Nội về thực hiện Đề án trên địa bàn TP, Phòng Lý lịch tư pháp - Sở Tư pháp Hà Nội đã tham mưu lãnh đạo Sở Tư pháp trình UBND TP quyết định ban hành đối với quy trình cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho công dân Việt Nam thường trú tại Hà Nội; Quy trình cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho người nước ngoài cư trú tại Hà Nội; Quy trình cấp phiếu Lý lịch tư pháp cho cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội và cơ quan tiến hành tố tụng trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công TP.
Ngày 26/12/2022, UBND TP đã ban hành Quyết định số 5203/QĐ-UBND ban hành quy trình cấp phiếu Lý lịch trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ TP Hà Nội, chính thức vận hành từ ngày 01/01/2023. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng Phòng Lý lịch tư pháp, Sở Tư pháp Hà Nội, việc triển khai quy trình cấp phiếu Lý lịch tư pháp trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Cổng Dịch vụ công TP Hà Nội sẽ là bước đột phá về ứng dụng công nghệ số, giảm tải được khối lượng lớn số lượng người dân phải đi lại, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí.
Đơn giản hóa TTHC trong việc đổi Giấy phép lái xe
Tại Sở GTVT Hà Nội cũng có nhiều thời điểm người dân xếp hàng tại bộ phận một cửa của Sở này để chờ đến lượt làm thủ tục cấp đổi Giấy phép lái xe. Sở GTVT đã tăng cường hướng dẫn người dân thủ tục đổi Giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 3, 4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Theo đại diện lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, đổi Giấy phép lái xe trực tuyến mức độ 3,4 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia là một trong 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thực hiện Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 17/2/2022 của UBND TP về Đề án 06 trên địa bàn TP, Sở GTVT cũng đã đề nghị các Sở, ban ngành, đoàn thể, đơn vị; UBND các quận, huyện, thị xã; các cơ quan báo, đài TP tuyên truyền về thủ tục "Đổi Giấy phép lái xe do ngành GTVT cấp" trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đến cơ quan, tổ chức và người dân biết, sử dụng hiệu quả.
Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó GĐ Sở GTVT Hà Nội, việc đổi Giấy phép lái xe trên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Người dân có thể ngồi tại nhà đăng ký cấp đổi Giấy phép lái xe qua mạng. Sau đó có thông báo đến Trung tâm hành chính công hoàn tất các thủ tục còn lại, giúp người dân tiết kiệm thời gian đi lại rất nhiều so với trước đây. Cũng theo lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội, CĐS là chuyển đổi và thay đổi phương thức điều hành, hiện đại hóa quy trình công việc bằng công nghệ thông tin để giảm bớt các thủ tục, chi phí.
Xây dựng TP thông minh, vì lợi ích của người dân, DN
Không chỉ riêng Sở Tư pháp, Sở GTVT mà thời gian qua, các cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CĐS vào quá trình thực hiện cải cách hành chính, quản lý và điều hành. Người dân, DN được trải nghiệm tiện ích, giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian… Các địa phương cũng đã áp dụng một số mô hình chuyển đổi, ứng dụng số vào đánh giá sự hài lòng của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người dân có thể quét mã QR để đánh giá sự hài lòng của người dân khi đến thực hiện thủ tục hành chính tại UBND quận, UBND phường. Việc ứng dụng số giúp lãnh đạo địa phương phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân, DN nếu xảy ra hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà. Đồng thời, đánh giá được năng lực, thái độ làm việc của cán bộ, công chức…
Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) được xem là dấu mốc đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển, xây dựng chính phủ số, công dân số, xã hội số hiện đại. Qua 1 năm triển khai Đề án 06, Ủy ban CĐS quốc gia đi vào hoạt động, nhiều thành tựu vững chắc đã được Chính phủ triển khai, ban hành, đi vào cuộc sống trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an xây dựng.
Đối với Thủ đô Hà Nội, UBND TP đã quán triệt, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Đề án quyết liệt, có trọng tâm. Đến nay, TP đã hoàn thành triển khai 25/25 Dịch vụ công trực tuyến thiết yếu, trong đó có 9/25 Dịch vụ công trực tuyến được tiếp nhận và giải quyết hoàn toàn trực tuyến (không có hồ sơ tiếp nhận trực tiếp) và tiếp tục tái cấu trúc, tích hợp 1.085 Dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tăng tính công khai, minh bạch trong thực hiện thủ tục hành chính.
Hà Nội đang tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu cả nước với Nghị quyết về "CĐS, xây dựng TP thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" đã được Thành ủy Hà Nội ban hành. Đây là chủ trương hết sức quan trọng và kịp thời thúc đẩy việc hiện đại hóa công tác quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trong toàn hệ thống chính trị TP.