Hà Nội từng bước phủ sóng chuyển đổi số
Sau nhiều năm thúc đẩy chuyển đổi số, đến thời điểm này lợi ích mang lại là rất lớn, thể hiện rất rõ trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý Nhà nước. Hiện nay, Hà Nội đã có nhiều quận, huyện phát triển kinh tế vượt bậc nhờ thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, nhất là trong cải cách hành chính. Từ tiền đề đó, TP sẽ triển khai thí điểm mô hình quận, huyện chuyển đổi số điển hình.
Lợi ích kinh tế từ chuyển đổi số
Đến nay, TP Hà Nội đã xây dựng và đưa vào vận hành sử dụng 4 hệ thống thông tin, ứng dụng quan trọng, cốt lõi, gồm: Hệ thống thông tin báo cáo TP; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung TP; kênh tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân và DN qua ứng dụng zalo; ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND TP. Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh, đây được coi là tiền đề hình thành chính quyền số trong lộ trình thực hiện chiến lược xây dựng Chính phủ điện tử của TP. “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ. Tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, đảm bảo hoạt động của chính quyền TP công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và DN.
Nhờ chuyển đổi số, vấn đề giải quyết thủ tục hành chính của nhiều địa phương đã có nhiều thay đổi tích cực. Đến nay, toàn TP đã có hơn 633 cơ quan đơn vị triển khai hệ thống và hơn 31.000 tài khoản. Với hệ thống này, các văn bản điện tử đến và đi của các cơ quan hành chính được chia sẻ trên một nền tảng chung. Tiến độ giải quyết công việc ở từng khâu sẽ được quản lý và theo dõi, nhờ đó thời gian giải quyết được rút ngắn. Đối với ứng dụng quản lý cuộc họp tại UBND TP, trong thời gian thí điểm, Văn phòng UBND TP đã gửi 409 giấy mời họp thông qua ứng dụng, giúp tiết kiệm được 150 triệu đồng/tháng so với việc gửi tin nhắn theo phương thức truyền thống; tổ chức cập nhật hơn 812 tài liệu, văn bản điện tử thay cho việc in ấn, sao chụp tài liệu giấy, giúp tiết kiệm trên 300 triệu đồng/tháng...
Phó chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Cù Ngọc Trang, cho biết: Văn phòng UBND TP đã phối hợp với nhà cung cấp ứng dụng zalo đưa kênh tiếp nhận tới hơn 7 triệu tài khoản zalo của người dân Thủ đô để biết và khai thác sử dụng. Qua một thời gian vận hành, chúng tôi đã tiếp nhận hàng trăm lượt góp ý của người dân, DN về thủ tục hành chính. Văn phòng UBND TP tổng hợp, gửi các địa phương, đơn vị giải quyết, báo cáo lãnh đạo TP nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hà Nội (nguyên Phó bí thư Quận ủy, nguyên Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Huy Cường cho biết, 100% văn bản đến và đi của UBND quận Nam Từ Liêm được số hóa, ký số và ban hành qua mạng. 100% các phòng, ban, UBND phường trên địa bàn quận được cấp và ứng dụng chữ ký số phục vụ tạo lập văn bản điện tử. Sau hơn một tháng thực hiện thí điểm hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung TP, UBND quận đã xử lý 1.550 văn bản đến, ban hành 650 văn bản đi, cũng như thực hiện hoàn toàn công tác chỉ đạo, điều hành trên hệ thống.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thể chế hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Thể chế kiến tạo đóng vai trò quyết định trong việc chấp nhận và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo, bảo đảm trách nhiệm tuân thủ pháp luật như nhau giữa DN trong và nước ngoài. Chuyển đổi số, đến thời điểm này lợi ích mang lại là rất lớn, không chỉ thể hiện rất rõ trong cung cấp dịch vụ công của các cơ quan quản lý Nhà nước như: Dịch vụ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT; đăng ký, cấp biển số mô tô, xe gắn máy; cấp hộ chiếu phổ thông giúp người dân, DN vừa tiết kiệm chi phí, vừa tiết kiệm thời gian... Đến việc mua hàng trên các trang thương mại điện tử, đặt xe taxi qua ứng dụng trên điện thoại, hoặc sử dụng các ứng dụng ngân hàng số, học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa…
Mô hình từng quận huyện phủ sóng chuyển đổi số
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 922/QĐ-BTTTT về phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương và của quốc gia”. Trên cơ sở bộ chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh và nhu cầu thực tế của địa phương, trong tháng 6/2023, các đơn vị chuyên môn của Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ nghiên cứu xây dựng khung tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã để làm cơ sở các tỉnh, TP xây dựng triển khai tại địa phương. Cục Chuyển đổi số quốc gia cũng như các cơ quan của Bộ Thông tin và Truyền thông mong muốn có sự phối hợp, đồng hành của các đơn vị của TP Hà Nội trong việc xây dựng, ban hành khung khung tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã, sớm giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc.
Hà Nội, 2 đơn vị tốp đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và cải cách hành chính nhiều năm nay là quận Hoàn Kiếm, Long Biên. Với điều kiện hạ tầng tương đối tốt, việc triển khai chuyển đổi số được Quận ủy, UBND chỉ đạo quyết liệt, ban hành các đề án triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Tuy nhiên, việc triển khai còn nhiều bất cập, khó khăn về cơ chế phân cấp một số hệ thống lớn của các bộ, ngành, TP chưa được triển khai.
GĐ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đề nghị: Lãnh đạo các phòng chuyên môn đã có ý kiến về việc cần thiết ban hành Khung tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp huyện, cấp xã trên cơ sở về đặc điểm, nguồn lực, khả năng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương để phân nhóm chỉ tiêu bảo đảm phù hợp, khả thi. Đối với hạ tầng chung của TP và một số nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và hệ thống lớn, Sở đang tập trung nguồn lực dưới sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND TP bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ theo tiến độ được giao. Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, đề xuất, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ thống nhất dự thảo kế hoạch triển khai thí điểm mô hình quận, huyện chuyển đổi số điển hình báo cáo UBND TP.
Chuyển đổi số mang lại thay đổi lớn, tạo ra sự sáng tạo giúp một số DN tăng trưởng và phát triển kỷ lục. Nhiều tập đoàn lớn, lâu đời chật vật trong khi các DN mới, nhỏ và linh hoạt hơn nhờ áp dụng những mô hình kinh doanh mới. Chuyển đổi số DN có thể thực hiện thông qua việc tư duy lại hướng kinh doanh, đánh giá lại chuỗi giá trị, kết nối lại với khách hàng và cấu trúc lại DN.