Hà Nội tuyển sinh đầu cấp theo tiêu chí 'học gần nhà': Chuẩn bị kỹ về mọi mặt
Hà Nội dự kiến áp dụng tuyển sinh đầu cấp theo tiêu chí 'học gần nhà' từ năm học 2026 - 2027. Chủ trương này được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho học sinh và phụ huynh, hạn chế tình trạng trái tuyến... Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả, thành phố cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt.
Thuận tiện, giảm phiền toái, hạn chế tiêu cực “chạy trường”…
Theo kế hoạch, từ năm học 2026 - 2027, Hà Nội sẽ áp dụng tuyển sinh bậc mầm non, lớp 1 và lớp 6 theo tiêu chí học sinh được học tại trường gần nơi cư trú. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, cách làm này không chỉ giúp các em tránh phải đi học xa, mà còn giảm thiểu tình trạng trái tuyến, nhất là tại các khu vực giáp ranh, nơi học sinh chỉ cách trường vài bước chân nhưng lại không được nhận vào học vì ranh giới hành chính.
Chủ trương này nhanh chóng nhận được sự đồng tình của nhiều phụ huynh. Các phụ huynh cho rằng, học gần nhà các con có thể tự đi học, tự về nhà, vừa rèn luyện kỹ năng sống, vừa giảm tải áp lực giao thông trước cổng trường. Đây là một chủ trương rất hợp lý, đặc biệt trong bối cảnh các trường trên địa bàn có chất lượng tương đối đồng đều. Anh Hoàng Mạnh, phụ huynh có con học Trường tiểu học Phan Đình Giót (quận Thanh Xuân) bày tỏ: “Học gần nhà, các con sẽ đỡ vất vả, cha mẹ cũng bớt lo toan việc đưa đón, chưa kể góp phần giảm ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. TP.HCM đã làm rồi và thấy rất hiệu quả, tôi hy vọng Hà Nội sẽ làm sớm”.
Tại nhiều trường học trên địa bàn, các cán bộ quản lý giáo dục cũng ghi nhận sự đồng thuận tích cực từ phụ huynh và giáo viên. Cô Nguyễn Thị Kim Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đình Giót, cho rằng việc điều chỉnh tuyến tuyển sinh không gây xáo trộn mà ngược lại còn tạo điều kiện thuận tiện hơn cho các gia đình. Ví dụ, tại khu vực Thanh Xuân, học sinh ở một số tổ dân phố thuộc phường Thượng Đình trước kia đi học xa, nhưng giờ về phân tuyến mới gần nhà hơn, thuận lợi hơn cho phụ huynh trong việc đưa đón con. Hoặc ở khu vực Cự Lộc, Nhân Chính được điều chỉnh phân tuyến lại để phù hợp với vị trí thực tế của dân cư.
Một vị hiệu trưởng trường khác cũng nhấn mạnh: “Với việc phân tuyến lại, nhiều học sinh có thể tự đi học, tự về nhà. Hơn nữa, chất lượng các trường trên địa bàn hiện nay khá đồng đều nên phụ huynh không phải quá lo lắng chuyện chọn trường như trước đây”.
Không riêng gì ở bậc tiểu học, các trường trung học cũng đánh giá cao hiệu quả của phương án này. Cô Nguyễn Thị Thu Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Hòa (quận Cầu Giấy) phân tích: “Thực tế, nhiều tổ dân phố thuộc quận này nhưng gần trường ở quận khác. Nếu cứ áp theo ranh giới hành chính cứng nhắc thì học sinh phải đi xa, trong khi gần nhà lại có trường tốt. Tuyển sinh theo địa lý sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn, giảm áp lực giao thông và tránh tình trạng trái tuyến. Chính vì thế, vài năm gần đây trường cũng đã tuyển sinh theo xu hướng “gần nhà” để thuận lợi cho học sinh và phụ huynh...”.
Thực tế từ TP.HCM đã triển khai tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 theo địa lý, không phụ thuộc vào ranh giới phường, xã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt sau hai năm áp dụng. Mô hình này được phụ huynh đánh giá cao vì giảm phiền hà, hạn chế tiêu cực “chạy trường, chạy lớp” và phù hợp với xu hướng phổ cập giáo dục.

Nhiều trường ở khu vực trung tâm, vốn đã đông học sinh, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng quá tải nếu không tính toán kỹ.
Phải xây dựng phương án phân tuyến hợp lý
Dù được đánh giá là một hướng đi phù hợp với thực tiễn, vì lợi ích học sinh, song theo nhiều chuyên gia, để chủ trương “học gần nhà” thực sự phát huy hiệu quả, Hà Nội cần có sự chuẩn bị kỹ càng và bài bản, nhất là về cơ sở hạ tầng, đội ngũ giáo viên và dữ liệu quản lý. Một hiệu trưởng trường THCS thẳng thắn nêu: “Nếu không tính toán kỹ, rất dễ xảy ra tình trạng quá tải ở những khu vực dân cư đông đúc. Một số phụ huynh có thể tạm trú gần trường để xin học cho con, sau đó lại chuyển về nơi ở cũ. Dù chưa phổ biến, nhưng nếu không kiểm soát tốt thì những bất cập như vậy sẽ phát sinh”.
Không chỉ dừng lại ở việc phân tuyến, bài toán mở rộng quy mô trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất cũng đặt ra nhiều yêu cầu cấp thiết. Tiến sĩ Phạm Ngọc Anh Huy, chuyên gia giáo dục nhận định: “Nhiều trường ở khu vực trung tâm, vốn đã đông học sinh, sẽ rất dễ rơi vào tình trạng quá tải nếu học sinh dồn về cùng một nơi. Dù chủ trương là học gần nhà, nhưng nếu phụ huynh đều muốn con học ở những trường “có tiếng” thì áp lực sẽ rất lớn, đặc biệt là khi mở rộng học hai buổi/ngày”.
Phụ huynh Kiên Cường kiến nghị: “Phải xây thêm trường, nhất là ở các khu đô thị mới. Đã có quy hoạch rồi nhưng triển khai còn quá chậm. Và nếu lấy chỗ ở thực tế làm căn cứ đăng ký học cho con thì cần lưu ý, nhiều người thuê nhà có thể dễ dàng thay đổi nơi ở để gần trường tốt. Trong khi đó, hộ khẩu thì khó thay đổi hơn”.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng việc ứng dụng các công cụ hiện đại như GIS (hệ thống thông tin địa lý) sẽ giúp công tác tuyển sinh gần nhà trở nên minh bạch và hiệu quả hơn. Đặc biệt với các thành phố lớn đang quá tải cục bộ trường học như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
PGS.TS Bùi Quang Thành, Trưởng khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội phân tích: “GIS có thể giúp hiển thị và phân tích dữ liệu không gian như vị trí nhà ở, các tuyến đường, khoảng cách tới trường, tình trạng giao thông… Nhờ đó, các nhà quản lý giáo dục sẽ xác định được khu vực tuyển sinh một cách khoa học và hợp lý, tránh tình trạng dồn học sinh vào một số trường “hot” gây quá tải hoặc ùn tắc vào giờ cao điểm”. “Chỉ khi tất cả quyết định được đưa ra trên nền tảng dữ liệu số thì việc tuyển sinh mới thực sự công bằng và minh bạch”, ông nói Thành nhấn mạnh.
Tuy vậy, PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học cũng lưu ý, để nâng cao hiệu quả của việc đưa bản đồ GIS vào thực tiễn tuyển sinh đầu cấp thì việc tuyên truyền để phụ huynh nhận thấy trường nào cũng là trường tốt, không còn tâm lý chọn trường, “chạy” trường, không tìm mọi cách đổ dồn về trường mà họ quan niệm là tốt. Bên cạnh đó, cũng cần tăng cường đầu tư, nâng cấp hệ thống công nghệ hỗ trợ công tác tuyển sinh trực tuyến; xây dựng phương án phân tuyến hợp lý, đảm bảo hài hòa giữa nguyện vọng của người dân và điều kiện thực tế của từng địa phương.
“Việc xây dựng được bản đồ số GIS với thời gian thực, cung cấp đầy đủ thông tin về các nhà trường, sẽ rất tiện lợi cho công tác quản lý, điều phối các trường học gần nơi có mật độ học sinh đông. Nếu làm được những việc này, thông qua GIS sẽ giúp cho công tác quản lý, tuyển sinh minh bạch; công tác điều phối giáo viên cũng thuận lợi, góp phần giải quyết được bài toán thừa, thiếu giáo viên…”. PGS.TS Trần Thành Nam nói.