Hà Nội: Tỷ số giới tính khi sinh ở mức 113 trẻ trai/100 trẻ gái
Thời gian qua, Hà Nội đã bước đầu kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS). Tỷ số GTKS dự kiến năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái.
Sáng 26/11, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác Dân số-KHHGĐ TP Hà Nội chủ trì hội nghị tổng kết đánh giá thực hiện Nghị quyết 15/2016/NQ-HĐND về một số giải pháp tăng cường công tác Dân số-KHHGĐ trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, giai đoạn 2016-2020, toàn TP đã đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết đề ra về công tác dân số. Trong đó, về quy mô dân số, dự kiến năm 2020 dân số trung bình khoảng 8,3 triệu người chiếm khoảng 8,4% dân số cả nước. Toàn TP đã đạt mức sinh thay thế (số con bình quân/một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ -TFR 2,1 con), tỷ suất sinh thô giảm trung bình hàng năm 0,1%o. Về cơ cấu dân số, TP đã bước đầu kiểm soát MCBGTKS. Tỷ số GTKS dự kiến năm 2020 là 113 trẻ trai/100 trẻ gái. Cơ cấu dân số theo tuổi chuyển dịch theo hướng già hóa dân số. Chất lượng dân số Thủ đô từng bước được nâng cao. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc tăng hàng năm. Trong đó, năm 2020 tỷ lệ sàng lọc trước sinh toàn TP đạt 80%, tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 85%. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng năm 2020 dự kiến đạt 7,7%, vượt kế hoạch chỉ tiêu đề ra.
5 năm qua, Hà Nội đã triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình nâng cao chất lượng dân số. Từ năm 2016 đến nay, Chi cục Dân số-KHHGĐ đã triển khai, duy trì 384 mô hình tại xã/phường/thị trấn. Các mô hình nâng cao chất lượng dân số ngày càng hoạt động có hiệu quả, nâng cao nhận thức của người dân, ổn định quy mô, cơ cấu dân số. Ngoài ra, Hà Nội thực hiện có hiệu quả Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT). Trong đó, tỷ lệ khám sức khỏe định kỳ cho NCT năm 2018 là 73,03% (tăng 15% so với năm 2017). Năm 2019 đạt 79,03% tăng 6% so với năm 2018). Kế hoạch năm 2020 tỷ lệ khám sức khỏe cho NCT đạt 82% (tăng 3% so với năm 2019).
Tuy nhiên, 5 năm qua, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Hà Nội còn cao. Đặc biệt xu hướng MCBGTKS còn ở mức cao, nhất là tại một số huyện, đòi hỏi phải có những giải pháp quyết liệt hơn. Chất lượng dân số Hà Nội đạt được một số kết quả nhất định, tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh dần tăng lên nhưng số mặt bệnh được sàng lọc chưa nhiều.
Để đảm bảo công tác dân số trên địa bàn Hà Nội thực hiện có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý đề nghị chính quyền, địa phương tiếp tục thực hiện các đề án, chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác dân số của TP theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030.
Chính quyền, địa phương tập trung giải quyết toàn diện và đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số… Duy trì vững chắc mức sinh thay thế. Nâng cao chất lượng dân số, từng bước đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên. Tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Phân bố dân số hợp lý, nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển Thủ đô nhanh, bền vững.
Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số. Tăng cường đầu tư, đảm bảo nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện về công tác dân số. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo công tác dân số các quận, huyện, thị xã.
Công tác Dân số-KHHGĐ là công tác xã hội, cần sự tham gia, hưởng ứng của toàn xã hội. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các ban, ngành đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ thực hiện nội dung trọng tâm, trọng điểm về công tác dân số và phát triển của TP những năm tiếp theo.
Nhân dịp này, UBND TP trao Bằng khen cho 10 tập thể và 10 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Nghị quyết 15/2016/NQ-HĐND.