Hà Nội: Ứng dụng công nghệ, nâng cao hiệu quả tuyên truyền phòng ngừa tội phạm
Ngày 21/3, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo kết luận của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 TP tại Hội nghị tổng kết năm 2022; triển khai công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo 138 TP.
Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Theo đó, ngày 16/3/2023, tại trụ sở UBND TP, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn - Trưởng Ban Chỉ đạo 138 TP đã trì Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2022, triển khai công tác năm 2023 của Ban Chỉ đạo 138 TP.
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo Công an TP, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 138 TP báo cáo đánh giá tình hình; những ưu điểm, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn TP năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, công tác trọng tâm trong năm 2023; ý kiến tham luận của các đại biểu dự họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn kết luận, chỉ đạo:
Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra cho công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong năm 2023, đòi hỏi các cấp, các ngành phải tiếp tục nỗ lực, cùng vào cuộc để triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, biện pháp công tác đã đề ra. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành TP, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác.
Trong đó, các đơn vị tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và các bộ, ngành, của Thành ủy, UBND TP về công tác phòng, chống tội phạm, phòng chống mua bán người, phòng chống ma túy, mại dâm, HIV, AIDS và xây dựng phong trào bao vệ ANTQ. Quá trình thực hiện yêu cầu tiếp tục lồng ghép với các chương trình công tác lớn và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023 của địa phương.
Chủ động trong công tác nắm tình hình, dự báo, tham mưu, đề xuất với Thành ủy, UBND TP những giải pháp hiệu quả, giải quyết hiệu quả, triệt để những vấn đề phức tạp nổi lên trên từng lĩnh vực. Các cơ quan thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo chủ động bám sát chủ trương chỉ đạo để kịp thời tham mưu với lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương đưa ra các quyết sách, biện pháp, nhanh chóng giai quyết những bất cập, khó khăn trong quá trình thực hiện các chương trình, chuyên để công tác của Ban Chỉ đạo TP.
Xây dựng, triển khai các kế hoạch, phương án cụ thể, phù hợp để bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phòng chống cháy, nổ trên địa bàn. Triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Đề án của Chiến lược Quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030; 3 Dự án thuộc Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội…
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật
Về công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm, các đơn vị quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội, phòng chống lây nhiễm HIV/AIDS.
Sở Thông tin & Truyền thông chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các đơn vị có liên quan tiếp tục làm tốt vai trò định hướng thông tin báo chí, tập trung tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, nhất là sử dụng các trang mạng xã hội, ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền. Các sở, ban, ngành TP chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí để phục vụ công tác tuyên truyền phòng ngừa tội phạm.
Các ban, ngành chức năng, Ban Chỉ đạo 138 các quận, huyện, thị xã phải vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tội phạm, đặc biệt là phòng ngừa xã hội; tăng cường hiệu quả công tác vận động toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ chức sơ kết, đánh giá loại bỏ các mô hình không còn phù hợp, duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, điển hình tiên tiến.
Để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, đặc biệt trong Tháng hành động phòng, chống ma túy hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6/2023, Ban Chỉ đạo 138 TP giao Ban Chỉ đạo 138 quận Hà Đông làm điểm mô hình tuyên truyền Lễ mít tinh, ra quân hưởng ứng Ngày Quốc tế và Ngày toàn dân phòng, chống ma túy.
Ngoài ra, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, nhất là trong lĩnh vực dễ xảy ra tội phạm và vi phạm pháp luật. Làm tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, cư trú, quản lý người nước ngoài, các cơ sở kinh doanh có điều kiện; quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; công tác PCCC&CNCH... Đẩy mạnh công tác quản lý tạm trú, tạm vắng, bố trí lực lượng dân phố, dân phòng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát…
Nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm
Về công tác đấu tranh, Công an TP tiếp tục phát huy vai trò chủ công, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan: Chủ động trong công tác nắm tình hình; tập trung lực lượng nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và TNXH, nhất là tội phạm liên quan “tín dụng đen" ; tội phạm gây án nghiêm trọng xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ nhân dân; tội xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, trộm cắp, lừa đảo CĐTS...); phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em (nhất là tội phạm xâm hại tình dục trẻ em)…
Ban chỉ đạo 138 quận, huyện, thị xã tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Đề án “Chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự, an toàn xã hội năm 2023”. Đối với những địa bàn chuyển hóa không thành công trong năm 2022, đặc biệt là các địa bàn chuyển hóa không thành công nhiều năm liền, cấp ủy, chính quyền địa phương phải tập trung chỉ đạo, đề ra các biện pháp, giải pháp hiệu quả, quyết liệt, xem xét về thi đua năm…
Thủ trưởng các ngành, các cấp phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác phòng, chống tội phạm: Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về trách nhiệm “nêu gương”, đề cao đạo đức công vụ, trách nhiệm xã hội, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo và thực thi công tác bảo đảm ANTT, ATXH của từng đơn vị, từng địa phương. Yêu cầu người đứng đầu các sở, ngành, chính quyền các cấp phải chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Địa phương, lĩnh vực nào để xảy ra những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài, để phát sinh, hình thành “điểm nóng” hoặc có cán bộ công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND TP.