Hà Nội: Ưu tiên hợp tác quốc tế về môi trường

Trạm quan trắc chất lượng không khí thứ 11 của TP. Hà Nội nằm trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp vừa chính thức khánh thành. Sự kiện này tiếp tục thể hiện Hà Nội đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề về môi trường trên địa bàn.

Lĩnh vực ưu tiên

Trạm quan trắc không khí thứ 11 của TP. Hà Nội sẽ vận hành tự động 24/24 giờ. Theo đó, các thông số như hướng gió, tốc độ gió, lượng mưa, bụi, ozon, chất lượng không khí được cập nhật liên tục. Thiết bị của trạm được kết nối với mạng lưới quan trắc chung của thành phố, các chỉ số được công bố trên cổng thông tin của UBND TP. Hà Nội. Theo bà Valérie Pécresse - Chủ tịch Vùng Thủ đô Paris, thiết bị quan trắc chất lượng không khí đặt trong khuôn viên Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội cũng tương tự như thiết bị đã được lắp đặt ở Thủ đô Paris. Đồng thời, trạm quan trắc này là phần nối tiếp của Dự án Trợ giúp kỹ thuật AFD/Airparif về chất lượng không khí, nằm trong chiến lược hợp tác giữa TP. Hà Nội và Vùng Thủ đô Paris.

Hà Nội nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường

Hà Nội nỗ lực giải quyết vấn đề môi trường

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề mà Chính phủ Pháp đặc biệt quan tâm, và môi trường cũng là một trong những ưu tiên hợp tác giữa Việt Nam và Pháp thời gian qua. Do đó, việc khai trương trạm quan trắc chất lượng không khí đã đánh dấu một mốc quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Vùng Thủ đô Paris. Đại sứ Pháp tại Việt Nam, ông Bertrand Lortholary cho hay, các hoạt động mà TP. Hà Nội và Vùng Thủ đô Paris triển khai cũng nhằm đóng góp cho mục tiêu chiến lược này. "Việc cải thiện chất lượng không khí là điểm nhấn trong mối quan tâm chung và quan hệ hợp tác giữa hai bên, nhất là trong dịp kỷ niệm 30 năm hợp tác giữa TP Hà Nội và Vùng Thủ đô Paris" - ông Bertrand Lortholary - nhấn mạnh.

Trước đó, Tập đoàn ENVEA (Pháp) đã triển khai dự án lắp 10 trạm quan trắc không khí tại Hà Nội nhằm cung cấp thông tin cũng như cho phép nghiên cứu chi tiết để xác định mức độ ô nhiễm biến đổi và nguồn gây ô nhiễm không khí. Bà Valérie Pécresse cho biết, với mức kinh phí khoảng 1 triệu Euro, dự án có khả năng lắp thêm vài chục trạm cảm biến đo lường chất lượng không khí tương tự trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Vùng Thủ đô Paris và Cơ quan Phát triển Pháp AFD sẽ tiếp tục phối hợp với Hà Nội hỗ trợ về kỹ thuật và kinh phí để triển khai lắp đặt thêm hơn 10 trạm quan trắc môi trường không khí trên toàn địa bàn TP. Hà Nội.

Theo Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung, mối quan hệ hợp tác giữa Hà Nội và Vùng Thủ đô Paris được thiết lập từ năm 1989, trải dài suốt 3 thập kỷ, đang tiếp tục không ngừng được củng cố và phát triển mạnh mẽ toàn diện trên mọi lĩnh vực. Nhiều dự án hợp tác nổi bật trong lĩnh vực giao thông, bảo tồn di sản, quy hoạch đô thị, môi trường là những điểm nhấn đáng ghi nhớ trong mối quan hệ này.

Nỗ lực ứng phó với biến đổi không khí

Kinh tế, xã hội TP. Hà Nội đang có những bước phát triển không ngừng, tuy nhiên sự phát triển nhanh chóng đó đang khiến cho Hà Nội phải đối diện với nhiều thách thức lớn, trong đó có tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, vấn đề cung cấp nước sạch cho người dân, ô nhiễm tại các con sông, ao hồ trên địa bàn hay ô nhiễm không khí đang ở mức báo động.

Nhằm cải thiện chất lượng môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như UBND TP. Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp, nhất là vấn đề cải thiện ô nhiễm không khí. Trong đó, TP. Hà Nội đã đầu tư mạnh cho việc xây dựng mạng lưới quan trắc tự động. Theo UBND TP. Hà Nội, hiện trên toàn thành phố đã lắp đặt 10 trạm quan trắc không khí tự động. Dự kiến, tới đây, Hà Nội sẽ tiếp tục lắp thêm gần 100 trạm ở nhiều điểm trên toàn thành phố để có số liệu về ô nhiễm không khí.

Từ năm 2017 đến nay, Hà Nội đánh giá chất lượng không khí dựa vào chỉ số của 10 trạm quan trắc, trong đó hai trạm cố định đặt tại phố Trung Yên 3 và UBND phường Minh Khai (Bắc Từ Liêm), quan trắc 6 thông số ô nhiễm là PM10, PM2.5, NO2/NO/NOx, CO, SO2 và O3. 8 trạm còn lại lắp đặt tại khu vực Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Kim Liên, Mỹ Đình, Phạm Văn Đồng, Thành Công, Tân Mai, Tây Mỗ quan trắc 4 thông số ô nhiễm PM10, PM2.5, CO, NO2 và thông số khí tượng.

Số liệu quan trắc môi trường không khí được cập nhật liên tục 24/24h; công bố rộng rãi trên nhiều phương tiện khác nhau để người dân có thể tiếp cận, nắm bắt diễn biến chất lượng môi trường không khí theo khu vực sinh sống. Ngoài giải pháp trên, để xử lý ô nhiễm không khí, thành phố còn thực hiện chương trình trồng 1 triệu cây xanh; hỗ trợ người dân giảm sử dụng than tổ ong tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc dùng than tổ ong để hạn chế nguồn gây ô nhiễm.

Trước những vấn đề đầy quan ngại về môi trường, việc tăng cường hợp tác quốc tế về môi trường đặc biệt được Hà Nội quan tâm. Vì vậy, ngoài Pháp, thời gian qua TP. Hà Nội cũng rất tích cực phối hợp với các công ty, tập đoàn và các địa phương của nhiều quốc gia khác như Đức, Nhật Bản nhằm triển khai các biện pháp ứng phó, giải quyết kịp thời. Như, Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP nước mặt sông Đuống hợp tác với các công ty của Đức, sau gần 2 năm triển khai, đã khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào hoạt động với công suất 150.000 m3/ngày đêm. Hiện, đang tiếp tục triển khai giai đoạn 2 nâng công suất lên 300.000 m3/ngày đêm.

Bên cạnh đó, Hà Nội còn hợp tác với Công ty Watch water của Đức sản xuất chế phẩm Redoxy 3C để xử lý ô nhiễm tại các sông, ao, hồ của Hà Nội; triển khai dự án lắp đặt hơn 100 trạm quan trắc không khí để đưa ra các biện pháp xử lý ô nhiễm không khí trên địa bàn. Trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường, Hà Nội cũng đang xây dựng các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện đến từ Đức, nhập toàn bộ xe hút bụi, hút rác của Tập đoàn Hako của Đức…

Bà Valérie Pécresse - Chủ tịch Vùng Thủ đô Paris:
Vấn đề môi trường ở Hà Nội và Paris là mối quan tâm hàng đầu hiện nay, hai bên sẽ cụ thể hóa các chương trình hợp tác hiệu quả để có thể phát triển đô thị bền vững, thông minh.

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-uu-tien-hop-tac-quoc-te-ve-moi-truong-123889.html