Hà Nội: Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc của thành phố Hà Nội đã đạt nhiều kết quả tích cực. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, Thành phố sẽ tiếp tục ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thống kê năm 2019, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 108.000 người dân tộc thiểu số thuộc 50/53 dân tộc thiểu số sinh sống đan xen cùng người Kinh ở tất cả hầu hết 30/30 quận, huyện, thị xã (chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố).

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030. (Ảnh: Nguyễn Thái)

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chủ trì Hội nghị về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030. (Ảnh: Nguyễn Thái)

Theo báo cáo, trong những năm qua, công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc luôn được Thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đảm bảo, đầy đủ kịp thời. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I (2021 - 2025) được triển khai thực hiện đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào vùng dân tộc thiểu số Thủ đô.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đã ưu tiên dành nguồn lực lớn với hơn 2.144 tỷ đồng để thực hiện Chương trình. Đến nay, đã bố trí hơn 1.172 tỷ đồng để hỗ trợ các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Thành phố đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu đến năm 2025 của Quốc hội (19/35 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu). Nổi bật, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt trên 98%, học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường đạt trên 97%, học trung học cơ sở trên 95%...

Về kết quả thực hiện các dự án nguồn vốn Đầu tư xây dựng cơ bản, đến nay, Thành phố đã bố trí vốn cho 95/114 dự án (đạt 83% kế hoạch với kinh phí đã bố trí hơn 1.050 tỷ đồng); đã thực hiện giải ngân được 883,548 tỷ đồng (đạt 83%); đưa vào sử dụng phát huy hiệu quả đầu tư 52 dự án, còn lại 15 dự án cơ bản hoàn thành, 13 dự án đang thi công, 15 dự án chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành và cơ bản hoàn thành 2025.

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mường ở huyện Ba Vì có đời sống khá hơn nhờ trồng chè an toàn. (Ảnh: Hữu Duyên)

Nhiều hộ đồng bào dân tộc Mường ở huyện Ba Vì có đời sống khá hơn nhờ trồng chè an toàn. (Ảnh: Hữu Duyên)

Ngoài ra, hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số, miền núi được xây dựng vững mạnh, khối đại đoàn kết dân tộc được củng cố, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi của Thủ đô được giữ vững.

Bên cạnh đó, công tác quán triệt, truyền thông, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đào tạo, tập huấn đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số và đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã phát huy hiệu quả, với sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, chính quyền cơ sở, tạo dư luận tốt và sự đồng thuận cao của nhân dân và cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô…

Tại Hội nghị về kết quả triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội, giai đoạn 2021 - 2030, mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định, thời gian qua, Thành phố luôn quan tâm Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Do đó, đã chủ động và sớm cụ thể hóa các chỉ tiêu để thực hiện.

Đường giao thông của xã Yên Bình, huyện Thạch Thất được đầu tư nâng cấp giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn. (Ảnh: Hữu Duyên)

Đường giao thông của xã Yên Bình, huyện Thạch Thất được đầu tư nâng cấp giúp cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tốt hơn. (Ảnh: Hữu Duyên)

Dù vậy, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế và đề nghị, thời gian tới, các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan phải rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu để cụ thể hóa trong quá trình thực hiện. Nhất là các chỉ tiêu theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.

Bà Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với các dự án mới của các huyện đề xuất, Thành phố nghiên cứu tiếp tục đề xuất Hội đồng nhân dân Thành phố điều chỉnh, bổ sung, cập nhật các dự án thực sự cần thiết vào danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 tạo điều kiện thuận lợi thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư và đầu tư giai đoạn 2025 - 2030.

Đối với các đề án, dự án nguồn vốn sự nghiệp, cần khẩn trương rà soát tổng thể, tổng hợp, điều chỉnh kịp thời để tổ chức thực hiện. Đặc biệt, quan tâm bổ sung các dự án, đề án hỗ trợ sản xuất, kinh doanh có quy mô phù hợp, hiệu quả cao.

Cơ sở vật chất khang trang của Trường Tiểu học Minh Quang A, xã Minh Quang, huyện Ba Vì. (Ảnh: Hồng Đạt)

Cơ sở vật chất khang trang của Trường Tiểu học Minh Quang A, xã Minh Quang, huyện Ba Vì. (Ảnh: Hồng Đạt)

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu Ủy ban nhân dân Thành phố tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu theo kế hoạch.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng lưu ý, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tiếp tục xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở. Đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ gìn trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc thiểu số. Chủ động ngăn chặn, kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc để chia rẽ, phá hoại khối đoàn kết toàn dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương.

Hoàng Phúc

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-uu-tien-nguon-luc-phat-trien-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so-159938.html